Về cấu hình phần cứng, Spectre x360 trang bị chip Intel Core i7-7500U, màn hình 13,3 inch Full HD, đồ họa HD Graphics 620, 8GB RAM LPDDR3, SSD 256GB chuẩn NVMe và cài sẵn Windows 10 Home 64 bit. Sản phẩm có giá tham khảo 40,9 triệu đồng, thấp hơn một chút so với EliteBook x360 nhưng vẫn là một trong các laptop Windows đắt nhất hiện nay.
Ưu điểm
- Thiết kế tinh tế, thích hợp với người dùng thường xuyên di chuyển.
- Kiểu dáng đẹp, mỏng nhẹ, có thể chuyển đổi dùng như máy tính bảng.
- Hiệu năng tổng thể tốt.
- Màn hình hiển thị tốt, đạt 97% chuẩn sRGB.
- Bàn phím độ nhạy cao, ích hợp LED nền tiện dụng.
Khuyết điểm
- Số cổng kết nối ít.
- Giá cao.
Thiết kế
So với mẫu Spectre x360 mình từng thử nghiệm vào năm ngoái thì thiết kế sản phẩm mới mỏng nhẹ hơn, chỉ 13,8 mm và nặng 1,32 kg. Để đạt được độ mỏng trên, Spectre x360 ứng dụng công nghệ cắt CNC tạo ra khung nhôm và đưa các thành phần linh kiện vào bên trong. Các chi tiết mạ crôm thể hiện sự tinh tế cùng những đường viền màu vàng đồng ở mỗi cạnh bên tạo điểm nhấn.
Bàn phím cũng được HP cải tiến mỏng hơn tới 78% so với thế hệ trước nhưng vẫn đảm bảo độ nảy và hành trình phím lý tưởng khi gõ phím tốc độ cao. LED nền tích hợp tiện dụng hơn khi làm việc trong môi trường thiếu sáng. Thử nghiệm thực tế cho thấy phím nhấn êm và dễ chịu, hành trình phím chỉ 1,25 mm tối ưu cho việc sử dụng di động.
Một thay đổi nữa của sản phẩm là áp dụng thiết màn hình viền mỏng. Tuy chưa tạo được ấn tượng như công nghệ InfinityEdge của Dell nhưng sự đổi mới này cũng giúp sản phẩm trông thanh thoát, nhẹ nhàng hơn, không còn cảm giác nặng nề, cục mịch như trước. Đây cũng là xu hướng chung không chỉ của HP mà cả Dell, Lenovo đã áp dụng cho nhiều dòng sản phẩm của hãng.
Hệ thống bản lề kép mang lại cảm giác liền mạch khi xoay gập màn hình đến 360 độ để sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Bên cạnh kiểu laptop truyền thống, bạn có thể gập lại theo kiểu display hoặc dạng lều khi xem phim, dựng đứng nó lên như một thiết bị đọc sách điện tử hoặc dùng như một máy tính bảng.
Sử dụng thực tế cho thấy độ cứng của bản lề vừa phải, bạn sẽ không cần dùng nhiều lực để gập, mở màn hình. Dù vậy, khuyết điểm của hệ thống bản lề này là chưa thực sự chắc chắn nên thao tác chạm trực tiếp trên màn hình cảm ứng vẫn gặp hiện tượng rung nhẹ và đàn hồi theo đầu ngón tay.
Đi kèm là chiếc bút stylus có khả năng nhận biết 1.024 mức cảm ứng lực khác nhau. Bạn có thể sử dụng kết hợp với Windows Ink, bộ phần mềm được Microsoft bổ sung trong bản cập nhật Windows 10 Creator để nhằm cải thiện sự tương tác giữa người và máy một cách tự nhiên hơn khi sử dụng bút cảm ứng.
Cổng giao tiếp
Để giải quyết bài toán mỏng nhẹ trong thiết kế, HP đã lược bỏ một số thành phần kém quan trọng. Cụ thể ở cạnh trái, ngoài nút nguồn chúng ta có thêm ngõ cắm headphone kết hợp mic và cổng USB 3.1. Cạnh phải có 2 cổng USB 3.1 type C gen 2 và nó hỗ trợ cả giao tiếp tốc độ cao Thunderbolt 3 lẫn ngõ xuất hình DisplayPort 1.2 trong một kết nối vật lý.
x360 cũng đi kèm adapter chuyển đổi từ USB type C sang HDMI trong trường hợp màn hình ngoài không hỗ trợ USB type C. Tuy nhiên về cá nhân, mình không đánh giá cao việc sử dụng adapter chuyển đổi, so với việc tích hợp trực tiếp vô trong máy thì sẽ tiện hơn cho người dùng.
Màn hình
Spectre x360 trang bị màn hình 13,3 inch độ phân giải Full HD, công nghệ màn hình IPS với góc nhìn rộng (ultra wide view angle) cùng khả năng hiển thị khoảng 97% dải màu tiêu chuẩn sRGB. Bên cạnh đó, HP cũng đưa ra tùy chọn cao hơn với màn hình UHD (3.840 x 2.160 pixel) nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu người dùng.
Trong môi trường văn, hình ảnh hiển thị sắc nét, chất lượng cao và đạt được sự đồng nhất màu sắc. Độ rộng dải màu, độ tương phản, mức độ sáng tối cũng như sắc xám và trắng hiển thị trên màn hình cũng dễ phân biệt rõ ràng. Việc tùy chỉnh độ sáng màn hình linh hoạt nên không gây cảm giác mỏi mắt khi làm việc trong thời gian dài với các tập tin văn bản và bảng biểu trong bộ ứng dụng văn phòng như Word, Excel.
Về chất lượng màn hình cũng được đánh giá cao với khả năng hiển thị dải màu theo tiêu chuẩn sRGB đạt 97%. Độ sáng thực tế đạt 280 nit và độ tương phản tĩnh cao (710:1) nên khi sử dụng ngoài trời hoặc trong môi trường ánh sáng phức tạp, bạn vẫn có thể đọc được nội dung văn bản ở co chữ 7 point trên cả hai màu nền đen hoặc trắng một cách dễ dàng.
Đáng tiếc là giá trị màu trắng (white point) của màn hình có sự chênh lệch đáng kể so với tiêu chuẩn. Và điều này đã ảnh hưởng đến phần đánh giá chất lượng hiển thị của màn hình khi định lượng bằng thiết bị chuyên dụng Spyder 4 Elite.
Đánh giá hiệu năng
Xét tổng thể hiệu năng Spectre x360 khá tốt, đủ đáp ứng nhu cầu làm việc lẫn chơi game giải trí cơ bản. Chip Kaby Lake i7-7500U không chỉ có hiệu năng cao hơn mà thời lượng pin cũng dài hơn so với chip Skylake thế hệ trước. Phần đồ họa tích hợp HD Graphics 620 cũng có sự thay đổi. Dù không xuất sắc trong các phép thử đồ họa và game nhưng vẫn có thể chơi tốt các tựa game phổ biến, không đòi hỏi cấu hình cao hiện nay.
Cụ thể với PCMark 10, công cụ benchmark dành riêng cho Windows 10, hệ thống đạt 3.559 điểm hiệu năng tổng thể. Tương tự cấu hình thử nghiệm cũng đạt 3.665 điểm trong phép thử PCMark 8 Home và 4.841 điểm phép thử Creative.
Chuyển sang phần đánh giá năng lực xử lý đồ họa với 3DMark Cloud Gate, HP Spectre đạt 6.448 điểm, trong đó đồ họa tích hợp đạt 8.355 điểm và bộ xử lý đạt 3.585 điểm. So với mẫu EliteBook x360 (chip Core i7-7600U, đồ họa HD Graphics 620) mình từng thử nghiệm thì những điểm số trên đều thấp hơn một chút. Điều này cũng dễ hiểu vì xung nhịp cả nhân xử lý và nhân đồ họa của Core i7-7500U đều thấp hơn một bậc so với chip 7600U.
Với Cinebench R15, Spectre x360 đạt 139 điểm trong phép thử CPU đơn nhân, 341 điểm CPU đa nhân và tốc độ dựng hình của đồ họa tích hợp đạt 48,26 khung hình/giây (fps).
Đặc biệt SSD của sản phẩm HP luôn để lại ấn tượng tốt với tốc độ đọc dữ liệu tuần tự cao nhất đạt đến 1681,4 MB/s, cao hơn khoảng 6,4 lần so với tốc độ ghi là 264,3 MB/s. Với PCMark 8 giả lập các tác vụ thường dùng như tốc độ tải game, dựng phim, xử lý hình ảnh, v..v.. độ truy xuất dữ liệu của SSD đạt 244 MB/s và 4.944 điểm.
Thời gian dùng pin
Về thời lượng dùng pin thể nghiệm qua công cụ PCMark 8 Home, máy chạy ở chế độ High Performance, độ sáng màn hình giảm xuống mức 40% tương đương khi dùng pin. Kết quả cho thấy thời gian sử dụng liên tục của máy vào khoảng 5 giờ 17 phút chỉ với một lần sạc pin; so với EliteBook cùng dòng là 5 giờ 52 phút.
Cũng với cấu hình máy chế độ High Performance nhưng để độ sáng màn hình tối đa. Thời lượng dùng pin mẫu laptop này giảm đáng kể, chỉ đạt khoảng 2 giờ 29 phút trình chiếu phim ảnh liên tục, tức chỉ bằng 47% so với PCMark 8 Home khi tập trung vào các tác vụ duyệt web, nhập dữ liệu, chỉnh sửa hình ảnh, video chat. Xem chi tiết trong biểu đồ kết quả bên trên.
Khả năng tản nhiệt
Bên cạnh các phép đánh giá hiệu năng, Tinhte thử nghiệm khả năng tản nhiệt của máy trong môi trường văn phòng, nhiệt độ trung bình khoảng 28 độ C. Thực tế cho thấy máy hoạt động êm khi chạy ứng dụng văn phòng hoặc chơi game giải trí nhẹ nhàng. Nhiệt độ CPU ghi nhận qua tiện ích HWMonitor dao động ở 38 độ C, khu vực nóng nhất phía trên bàn phím 31,9 độ C trong khi khu vực kê tay phía dưới chỉ 28,8 độ C.
Trong tác vụ xử lý đồ họa 3DMark, quạt làm mát khá ồn nhưng vẫn ở mức chấp nhận được. Nhiệt độ cao nhất của bộ xử lý là 86 độ C nên khu vực xung quanh bàn phím cũng tăng đáng kể. Cụ thể vị trí nóng nhất phía trên bàn phím lên đến 47 độ C, vị trí kê tay bên dưới là 31,7 độ C. Điều này cũng bình thường vì việc sử dụng chất liệu nhôm nguyên khối trong thiết kế đã góp phần vào việc làm mát linh kiện phần cứng bên trong theo dạng tản nhiệt thụ động.