Nó sẽ thay đổi cách mà chúng ta sử dụng iPhone, thứ chúng ta đã quen thuộc trong cả chục năm quá khứ. Và theo Jonathan Ive, giám đốc thiết kế chính của Apple, thì 'đã có những vấn đề cực kì phức tạp mà chúng tôi phải giải quyết' trong quá trình làm ra chiếc iPhone X. Bên dưới là đoạn nói chuyện giữa tờ Times và Ive, mời bạn xem qua.
Trong số những thách thức trên, cái đáng quan tâm nhất là làm sao thay thế được nút home mà người dùng iPhone đã quen sử dụng trong 10 năm qua. Việc loại bỏ đi cái phím tròn tròn đó trong thiết kế của iPhone đồng nghĩa với việc Apple phải suy nghĩ lại xem họ cần làm thế nào để người dùng có thể làm những thao tác như unlock điện thoại, chạy Siri hay kích hoạt Apple Pay bên cạnh nhiều thứ lặt vặt khác nữa. Vì không có nút home, Apple phải dùng các thao tác quẹt ngón tay.
Để đi tới được đích đến này không dễ dàng. Khi các nhà thiết kế của Apple chưa biết phải làm sao để giải quyết vấn đề, họ nhìn vào quá khứ để xem có manh mối nào không. 'Chú ý vào những gì đã diễn ra trong lịch sử thực sự giúp bạn có thêm niềm tin để đi tìm giải pháp', Ive chia sẻ. 'Niềm tin không phải là thứ thay thế được năng lực kĩ thuật, nhưng nó sẽ giúp tiếp lửa cho niềm tin rằng bạn rồi sẽ tìm được giải pháp mà thôi. Và điều này rất quan trọng'.
Apple có thói quen bỏ công nghệ cũ trước khi thế giới kịp thay đổi. Ví dụ, năm ngoái Apple đã bỏ jack tai nghe 3,5mm ra khỏi iPhone 7, năm 1998 họ cũng là một trong những công ty làm máy tính đầu tiên bỏ ổ đĩa mềm, và với MacBook Apple cũng lại một lần nữa làm điều tương tự với cổng USB truyền thống hoặc ổ quang. Nhưng vấn đề là làm sao Apple biết khi nào thì nên bỏ mà không phải duy trì thêm 1-2 đời máy nữa?
Ive cho hay: 'Tôi thật sự nghĩ rằng việc níu giữ những tính năng có hiệu quả trong quá khứ bằng bất kì giá nào chính là con đường dẫn tới thất bại. Trong ngắn hạn, đây là con đường có vẻ ít rủi ro hơn và an toàn hơn'.
Ive không sai. Sau khi Apple bỏ tai nghe 3,5mm trên iPhone 7, có hơn 300.000 người đã kí tên đòi Apple mang tính năng này trở lại. Nhiều review iPhone X cũng chê rằng chiếc máy này khó dùng hoặc muốn nút home quay trở lại. Ive nói ông đã lường trước những điều này. 'Không phải lúc nào bạn cũng được người ta khen khi bạn chọn con đường mà bạn tin rằng tốt hơn, vì như vậy có nghĩa là bạn từ bỏ một thứ đang thành công'.
iPhone X cũng là chiếc iPhone đầu tiên có giá bán từ 999$. Với Ive, điều này là logic: nhiều công nghệ hơn, công nghệ tốt hơn thì sẽ đắt tiền hơn. 'Như bạn có thể kỳ vọng, phải có một hiệu quả về tài chính thì chúng tôi mới làm nhiều công nghệ để nhét vào một thiết bị nhỏ như thế', Ive giải thích. Tất nhiên, không phải ai cũng muốn chi nghìn đô cho smartphone, và đó là lý do Apple ra mắt iPhone 8 và 8 Plus cùng những mẫu máy cũ như một lựa chọn giá thấp hơn, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. 'Mục tiêu của chúng tôi luôn là mang tới sản phẩm chúng tôi nghĩ là tốt nhất, không phải lúc nào cũng nhắm đến giá rẻ', phó chủ tịch kĩ thuật Riccio nhấn mạnh.
Cũng lại nói về giá, Ive nhắc về chiếc iPhone đầu tiên. Vào thời điểm năm 2007, giá 500$ cho điện thoại là một con số rất cao. Nhưng đó là do Apple luôn coi iPhone hơn cả một chiếc điện thoại. Với Apple, nó là iPod, là điện thoại, là thiết bị kết nối mạng như lời Steve Jobs từng giới thiệu trên sân khấu. Ive nói: 'Người ta không chỉ trải nghiệm sản phẩm chỉ vì nó có chữ 'phone' trong tên mình'.
Nguồn: Times