Khái niệm nhạc Hi-Res Audio không chỉ dùng để nói về nhạc losssless. Giờ đây, các nhà sản xuất còn khuyến cáo về một tiêu chuẩn mới: Tai nghe Hi-Res. Có lẽ nhiều người đã nghe tới loại tai nghe này, nhưng nó giống và khác như thế nào so với các loại tai nghe thông dụng còn lại?
Ảnh: Loa.com.vn
1. Từ lý thuyết cao siêu
Theo định nghĩa: Các loại tai nghe không đạt tiêu chuẩn Hi-Res chỉ thể hiện được các dải âm từ 20Hz cho tới 20kHz hoặc thấp hơn. Đây cũng là khoảng tần mà các bản nhạc chuẩn đĩa CD chứa được và có thể nghe thấy bằng đôi tai con người (một số người có thể nghe được nhiều hơn hoặc ít hơn khoảng này).
Tuy nhiên, một chiếc tai nghe Hi-Res Audio thì thể hiện được nhiều hơn thế. Theo đúng tiêu chuẩn, chúng hoàn toàn có thể phát ra được âm thanh ở tần số thấp hơn 20Hz và cao hơn 20kHz mà thường sẽ bị bỏ qua ở những mẫu tai nghe thông dụng.
Sony cho rằng thiết kế 'driver HD 40mm' của họ có khả năng tái tạo âm thanh ở tần số lên tới 60kHz
Tiêu chuẩn này được đặt ra là do những bản nhạc Hi-Res đều phải lưu lại được những thông tin âm thanh ở tần số cao hơn mức 20kHz trên đĩa CD. Như vậy, những tai nghe không đạt chuẩn Hi-Res sẽ khó có thể phát huy khả năng của nhạc Hi-res.
Đối với các mẫu tai nghe Hi-Res Audio, tiêu chuẩn bắt buộc của chúng là phải tái tạo được âm tần từ 40kHz trở lên, và thực tế thì đã có không ít mẫu tai từ nhiều ông lớn như Sony, Onkyo… có độ nhạy âm từ 3-4Hz cho tới hơn 40kHz.
Hi-Res Audio đã trở thành một 'tính năng mới' của tai nghe
2. Đến thực tế phũ phàng
Với việc đặt ra một tiêu chuẩn mới, vô hình chung các nhà sản xuất tai nghe khiến cho mọi người hiểu rằng tai nghe phải đạt chuẩn Hi-Res thì mới hay. Điều này không hoàn toàn đúng.
Thứ nhất, không phải nhà sản xuất tai nghe nào cũng “thèm” quan tâm đến tiêu chuẩn này. Nhiều tai nghe trước đây cũng đã đáp ứng dải tần rất rộng, chứ không đợi đến lúc tiêu chuẩn này được phát hành thì mới nghĩ đến cải thiện sản phẩm. Nói cách khác, những tai nghe hay thì việc có được gắn mác Hi-Res Audio hay không cũng không quan trọng.
Thứ hai, nhiều nhà sản xuất cảm thấy phiền phức với tiêu chuẩn này. Bởi không phải bất cứ sản phẩm nào muốn gắn mắc Hi-Res Audio cũng phải gửi sản phẩm tới RIAA tại Mỹ hoặc nhóm liên minh của Nhật Bản. Việc này mất thời gian và dĩ nhiên cũng tiêu tốn tiền của họ, mà đôi khi không mang lại lợi ích đáng kể.
Thứ ba, Hi-Res Audio đơn thuần là chỉ cái mác cho một tiêu chuẩn, chứ không khiến tai nghe chơi nhạc hay hơn. Các tai nghe đạt tiêu chuẩn này có giá từ vài trăm nghìn đồng, cho tới hàng chục triệu đồng và đương nhiên chất lượng cũng tương xứng giá bán. Việc gắn cùng một cái mác không có nghĩa là “cá mè một lứa”, chơi hay như nhau.
Các tai nghe từ phẳng thường chẳng khó khăn để đạt chuẩn Hi-Res Audio, nhưng thứ mà chúng hướng tới thực sự chính là độ chi tiết cao và nhiều yếu tố khác.
3. Vậy có cần quan tâm tai nghe Hi-Res Audio hay không?
Tôi nhớ lại cái ngày Apple khiến mọi người sửng sốt với iPhone 4 cách đây 6-7 năm. Cậu bạn tôi vênh mặt khoe cái màn hình Retina siêu sắc nét so với chiếc Blackberry Bold 9000 của tôi. Nhưng tai nghe Hi-Res Audio không thay đổi cuộc chơi như vậy. Tôi không mong ai đó sẽ cho rằng “cái tai nghe kia hay hơn bởi vì nó đạt tiêu chuẩn Hi-Res Audio”.
Giới audiophile và dân chơi âm thanh nói chung từ lâu đã có một thuật ngữ tốt hơn “Hi-Res” để nói về chất lượng của những tai nghe/loa tốt, đó chính là “độ chi tiết/details”. Những chiếc tai nghe càng cao cấp thì thường đạt độ chi tiết cao, bóc tách những nốt nhạc rõ ràng hơn. Người nghe qua đó sẽ cảm thấy bản nhạc sống động hơn, tiến gần hơn tới cảm giác như “live”. Độ chi tiết được coi là một trong những tiêu chí rất quan trọng khi review tai nghe, bên cạnh các yếu tố cơ bản như bass/treble/mid, âm trường.