Sức hút của thiết bị này với người dùng là rất mãnh liệt, khi chỉ trong vòng 2 ngày nó đã huy động được số tiền bằng 500% mục tiêu ban đầu.
Chúng ta vẫn thường nghe thấy những ứng dụng tuyệt vời của máy in 3D, ví dụ niềng răng tự làm (đừng thử tại nhà), đồ chơi, những đồ vật sáng tạo mang phong cách Terminator từ những bể nhựa in nóng chảy, hay cả tai người từ những vật liệu đặc biệt hơn. Nhưng cho dù công nghệ này đang ngày càng rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, bạn có thể vẫn không thấy quá nhiều người xung quanh bạn thực sự sử dụng một chiếc máy in 3D ngoài thực tế.
Nhung nếu một thiết bị như chiếc OLO này ra mắt, mọi thứ có thể sẽ thay đổi. OLO là một phụ kiện giá 99 USD, cho phép bạn biến bất cứ chiếc smartphone nào thành một máy in 3D, và sử dụng ánh sáng từ màn hình cảm ứng để xử lý quá trình in nhựa.
Toàn bộ sản phẩm này được thiết kế ở mức siêu đơn giản để có thể hiểu và sử dụng được. Cả bộ thiết bị hoàn toàn di động, bao gồm pin, nặng khoảng 780 gam và kích thước khoảng 17,2 x 11,5 x 14,8 cm.
OLO gồm ba phần: một bể chứa mực in, đựng được khoảng 400 cm 3 nguyên liệu in, các chai mực in resin mầu để in vật thể nặng khoảng 100 gam, và một nắp cơ khí, ở bên dưới nắp này là bàn in, để đỡ vật thể in và các thiết bị điện tử điều khiển quá trình.
Xem khả năng biến smartphone thành máy in 3D của OLO.
Vậy thiết bị này được sử dụng như thế nào? Đầu tiên, bạn phải tải hình ảnh giản đồ vật thể của bạn vào ứng dụng OLO trên di động (hiện có sẵn cho iOS, Android và Windows), sau đó bạn phải đặt chiếc smartphone của mình nằm gọn trong đáy phía dưới bể chứa mực in. Một tấm kính phân cực được đặt bên trong đế này, và nằm đối diện với màn hình cảm ứng trên điện thoại của bạn. Ngay cả chiếc điện thoại cỡ lớn như iPhone 6S+ cũng vừa với chiếc đế này.
Giờ đến phần in ấn, với lời giải thích của Drew Prindle qua trang Digital Trends:
“Về cơ bản, khi bạn đậy chiếc nắp lên đỉnh máy in và quá trình in sẽ bắt đầu. Ứng dụng sẽ làm màn hình điện thoại của bạn sáng lên phần mô hình cần in. Chiếc kính phân cực sau đó lấy toàn bộ ánh sáng này (hướng tỏa ánh sáng ra bên ngoài để điện thoại của bạn có góc nhìn rộng hơn), và chuyển hướng nó để toàn bộ photon đi thẳng lên trên.
Vì vậy, khi màn hình điện thoại của bạn rọi ánh sáng vào bể chứa mực in, ánh sáng trực tiếp sẽ tạo ra một lớp resin bị đông cứng trên bề mặt bàn in, bộ phận sẽ từ từ di chuyển lên phía trên mỗi khi một lớp vật thể mới được tạo ra.”
Prindle bổ sung thêm rằng máy in này sử dụng cùng chức năng cơ bản của máy in DLP (chiếu sáng kỹ thuật số: Digital Light Projection – hay còn gọi phương pháp in 3D SLA), nhưng thay thế những chiếc máy chiếu to lớn, đắt tiền bằng màn hình smartphone của bạn.
Nhóm đằng sau công nghệ này đã phát triển một loại nhựa resin hoàn toàn mới để sử dụng với OLO. Được gọi là “resin ánh sáng ban ngày”, nó được thiết kế đặc biệt để phản ứng với ánh sáng trắng do màn hình smartphone tạo ra.
Như Stanley Goodner cho biết qua Gizmag, mỗi pixel cụ thể của resin này sẽ được “phơi” dưới ánh sáng màn hình smartphone trong một khoảng thời gian nhất định, để chuyển từ trạng thái lỏng sang rắn. Như vậy, vật thể của bạn sẽ được xây dựng từng pixel một, và từng lớp từng lớp một.
“Người dùng sẽ có lựa chọn giữa việc tạo ra thiết kế có trạng thái rắn, mềm, dễ nóng chảy, co giãn được, giống như các chất liệu quen thuộc với chúng ta như PMMA, ABS, sáp cứng, nhựa PVC mềm và silicon.” Goodner cho biết. “Ứng dụng OLO sẽ tính toán lượng resin cần thiết cho mỗi lần in để giảm thiểu lượng nhựa cần in và phần thừa bị loại bỏ.”
Các loại nhựa resin với mầu sắc và tính năng khác nhau dùng cho chiếc OLO này.
Thiết bị này hiện đang được gọi vốn trên Kickstarter, nhưng rõ ràng đã vượt qua mục tiêu ban đầu là huy động 80.000 USD. Theo trang Gizmag, nó đã thu hút được số vốn bằng 507% mục tiêu ban đầu, 80.000 USD trong vòng hai ngày, và vẫn còn 28 ngày nữa mới kết thúc chiến dịch gọi vốn. Rõ ràng sản phẩm như thế này sẽ trở nên phổ biến trong thời gian tới.
Lô hàng đầu tiên của OLO dự kiến sẽ bắt đầu giao hàng vào tháng Chín tới đây.
Tham khảo sciencealert