Hãng tìm kiếm vừa thay đổi nội dung của hướng dẫn thiết kế ứng dụng nhằm khuyên lập trình viên sử dụng thanh điều hướng dưới cùng màn hình tương tự như các app iOS hiện nay.
Theo những thông tin vừa được Google gửi tới các nhà phát triển, trong tương lai không xa các ứng dụng Android sẽ có nhiều điểm giống với trên iOS của Apple.
Trong hướng dẫn thiết kế vừa được hãng tìm kiếm cập nhật, Google muốn rằng, trong một số trường hợp, nhà phát triển ứng dụng nên đặt một thanh bar ở phía dưới cùng của ứng dụng để người dùng sử dụng cho việc điều hướng tới các mục khác nhau (của ứng dụng đó). Đây là phương pháp được hầu hết các ứng dụng iOS sử dụng cho việc điều hướng.
Google gọi thanh điều hướng này là 'bottom navigation bar'. Không giống như trên iOS, Google muốn thanh bar ẩn đi khi người dùng thực hiện thao tác cuộn, giúp tăng thêm không gian màn hình. Các nút bấm cũng sẽ phóng to hơn một chút để người dùng nhận diện được rằng nó vừa được chọn.
Trong trường hợp có quá nhiều nút bấm trên thanh bar, nút được chọn có thể cũng sẽ đẩy các icon khác ra để người dùng dễ dàng nhận diện hơn.
Từ trước tới nay, Google sử dụng nút bấm 'hamburger' (nút với 3 đường gạch ngang nằm ở góc trên cùng ứng dụng) cho việc điều hướng. Khi chạm đầu ngón tay vào 3 gạch ngang này, một menu sẽ hiện ra cho phép bạn truy cập vào các phần khác nhau của ứng dụng đó.
Dù cách làm này giúp tăng không gian màn hình và tạo sự khác biệt cho Android so với các hệ điều hành của đối thủ, thế nhưng điểm yếu là nó làm người dùng phải mất thêm một thao tác khi muốn di chuyển từ phần này sang phần khác.
Nếu áp dụng thanh bar điều hướng ở cuối màn hình, người dùng sẽ dễ dàng hơn trong việc điều hướng, chuyển đổi qua lại giữa các phần của ứng dụng.
Tuy nhiên, hãng tìm kiếm không có ý định khai tử menu 'hamburger' vĩnh viễn. Google nói rằng, thanh điều hướng dưới cùng màn hình chỉ nên được sử dụng khi ứng dụng của nhà phát triển có từ 3 đến 5 phần chính.
Nếu chỉ có 2, lập trình viên nên áp dụng tính năng thẻ tab; còn nếu có 6 hoặc nhiều hơn, họ vẫn nên sử dụng menu hamburger.
Ngay cả trong trường hợp ứng dụng của nhà phát triển có từ 3 đến 5 phần, Google nói rằng menu hamburger vẫn là sự lựa chọn phù hợp, và lập trình viên không nhất thiết phải dùng tới thanh bar dưới cùng màn hình.
Google hiện cũng đã bắt đầu áp dụng thanh bar mới trên các ứng dụng của chính hãng. Có thể kể ra một số ví dụ như ứng dụng Google+, hay gần đây nhất là Google Photos.
Trước đây, khi dùng Google Photos, bạn phải vuốt từ cạnh trái màn hình vào trong hoặc chạm đầu ngón tay vào nút 3 gạch ngang để truy cập vào các mục của ứng dụng này.
Còn hiện tại, thanh bar với các mục 'Assistant', 'Photos', và 'Albums' dưới cùng màn hình đã được sử dụng để tạo sự thuận tiện cho người dùng trong việc điều hướng.