Nếu như Samsung Galaxy S7/S7 edge là những lựa chọn rất an toàn về tính năng và thiết kế thì LG G5 lại là một thiết bị mang tính sáng tạo và vui vẻ hơn. Tất nhiên, LG G5 chắc chắn sẽ kén người dùng nhưng với mức giá rất hấp dẫn ở cả Việt Nam (dưới 13 triệu) lẫn thế giới thì G5 chắc chắn sẽ có khả năng cạnh tranh cao. Tiếc là LG G5 sẽ về Việt Nam vào cuối tháng 4, tức hơn 1 tháng sau khi S7 ra mắt. Máy ở VN sẽ là máy 2 SIM.
Cập nhật: Thông tin ở bảng hiển thị của LG cho biết LG G5 Việt Nam có 3GB RAM, chip 8 nhân 1.8GHz. Cấu hình này đang là cấu hình của SnapDragon 652 chứ không phải là bản SnapDragon 820 cấu hình cao. Hiện tại mọi thông tin chưa được xác thực và còn chờ LG Hàn Quốc.
Trên thế giới, ngoài bản SnapDragon 820 thì LG G5 còn có bản SnapDragon 652 cấu hình thấp hơn. Có thể đây chính là lý do mà LG G5 Việt Nam giá tốt như vậy. Tên mã của bản 652 là H840 còn bản 820 là H850.
Bản SnapDragon 820 dùng 4 nhân Kyro tùy biến của Qualcomm trong khi 652 dùng 4 nhân Cortex A72 và 4 nhân Cortex A53. Bản SnapDragon 652 không hề yếu, nó rất mạnh và được coi là khác một trời một vực với SnapDragon 615/616 và 617 tiền nhiệm nhưng rõ ràng mức giá 13 triệu là quá cao với con chip cao trung này.
Chúng ta hãy cùng chờ xem.
Video trên tay, từ phút 19:32
LG G5 mang tính sáng tạo rất cao ở khả năng tháo lắp các phụ kiện. Phía dưới máy có một nút bấm ở bên hông, các bạn chỉ cần bấm vào là phần kết nối sẽ lỏng nhẹ ra, sau đó chúng ta rút nhẹ ra là được. Khuyến cáo của LG cho biết chúng ta cần tắt máy trước khi rút linh kiện nhưng mình thử rút hơn chục lần ở MWC 2016 và ở Việt Nam nhưng máy vẫn hoạt động bình thường. Tất nhiên, việc rút pin kiểu đó cực kỳ hại đến chip điều khiển nguồn và pin nên các bạn cần cẩn thận nhé.
Có một điểm cần không nhiều người biết, pin của LG G5 chỉ có một cục thôi, bạn mua phụ kiện nào thì cũng không có thêm pin đâu, sẽ phải mua thêm nếu có nhu cầu. Mỗi phụ kiện đều có một khấc để đẩy pin vào, bạn chỉ việc rút pin ra khỏi đế gốc và đút vào khấc ở Cam Plus hay Hi-Fi DAC là được.
Khi về Việt Nam, LG G5 chắc chắn sẽ có 2 phụ kiện được bán kèm (không tặng kèm) là Cam Plus (module pin mở rộng kiêm điều khiển camera) và Hi-Fi DAC của B&O. Cả hai phụ kiện này đều có ưu và nhược điểm riêng, các bạn có thể thay qua thay lại nếu muốn, mua cả hai cũng được. Giá Cam Plus ở nước ngoài khoảng 79$ còn Hi-Fi DAC là 300$ cho bản chỉ có DAC và 500$ cho bản kèm tai nghe B&O H3.
Với module Cam Plus, nó cho phép zoom, phóng to thu nhỏ, phím chụp hình có hai nấc để lấy nét cũng như chụp nhưng điểm hơi đáng tiếc là nút xoay zoom lại là zoom vòng tròn tuần hoàn, tức không có khấc đâu là phóng to nhất và đâu là thu nhỏ nhất, sẽ hơi khó chịu khi làm quen.
Module B&O Hi-Fi DAC không chỉ sử dụng được với LG G5 mà còn có thể sử dụng cho nhiều thiết bị khác, bao gồm cả máy tính (kết nối và USB) và điện thoại Android khác. Về mặt lý thuyết, nó có thể sử dụng chung với iPhone nhưng chúng ta vẫn còn chờ xác nhận từ nhà sản xuất. Tất nhiên, dù dù với bất cứ thiết bị nào thì module DAC này cũng không thể gắn vào đẹp và đồng bộ như LG G5.
Quay trở lại LG G5, nó là một chiếc điện thoại hơi xấu trong hình nhưng ngoài đời thì không tệ như vậy, cầm rất đã và thoải mái. Tuy LG đã loại bỏ nút tăng giảm âm lượng ở mặt sau nhưng nút nguồn vẫn nằm ở đây và kiêm luôn cảm biến vân tay.
Trên LG G5, máy có hai camera, trong đó có một camera ống kính góc rộng và một ống kính góc hẹp, tương tự như camera trước của LG V10. Bạn có thể linh hoạt chuyển đổi giữa góc rộng và góc hẹp bằng một nút bấm, nhưng cụm camera kép này còn có tác dụng trong việc phóng to thu nhỏ. Tuy vẫn là camera phóng to thu nhỏ kỹ thuật số, tức dùng phần mềm nội suy nhưng thông tin từ camera góc cận cảnh sẽ được kết hợp với camera góc rộng để phân tích, phóng to hình ảnh tốt hơn.
Khi gắn phụ kiện vào thì LG G5 sẽ dài hơn so với nguyên gốc