Bộ nhớ Optane là một sản phẩm đến từ Intel với tốc độ vượt trội so với ổ cứng HDD thông thường khi sở hữu công nghệ chế tạo 3D NAND mới.
Trước khi có được câu trả lời rằng nên dùng bộ nhớ Optane hay không, người dùng cần tìm hiểu một số thông tin về loại bộ nhớ mới này, cũng như công dụng của chúng.
Bộ nhớ Optane là gì?
Mặc dù được Intel giới thiệu lần đầu tại sự kiện CES 2017, nhưng phải đến nửa sau của năm 2017 người dùng mới có cơ hội trải nghiệm những sản phẩm bộ nhớ Optane đầu tiên. Với công nghệ chế tạo bộ nhớ mới mà Intel gọi là 3D NAND, bộ nhớ Optane mang đến tốc độ nhanh vượt trội so với các loại ổ cứng HDD thông thường. Dù vậy, bộ nhớ Optane hiện chỉ hoạt động trên một số bo mạch chủ được hỗ trợ.
Bộ nhớ Optane được giới thiệu lần đầu và đầu năm 2017.
Bên cạnh đó, bộ nhớ Optane cũng chỉ tương thích với dòng chip Intel Core thế hệ thứ 7 - Kaby Lake trở lên và chỉ được bán ra với chuẩn M.2
Công nghệ 3D NAND là gì?
Thực chất công nghệ 3D NAND được giới thiệu vào đầu năm 2017 và được kỳ vọng sẽ sớm thay thế những công nghệ chế tạo bộ nhớ truyền thống. Ngay như tên gọi của mình, 3D NAND được phát triển nhằm giúp gia tăng thêm nhiều lớp bóng bán dẫn bằng cách xếp chồng theo chiều dọc để lưu trữ dữ liệu. Bằng cách tăng thêm 120 - 144 lớp bán dẫn, những bộ nhớ mới sẽ được gia tăng mật độ bóng bán dẫn và có dung lượng bộ nhớ tăng lên.
Bộ nhớ Optane sử dụng công nghệ 3D NAND.
Hơn nữa, công nghệ 3D NAND còn gia tăng khoảng trống giữa các khối bộ nhớ trên mỗi lớp, từ đó giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến hiệu năng hay các vấn đề về cấu tạo vật lý. Tuy nhiên, hiện công nghệ 3D NAND chưa được phổ biến bởi dây chuyền sản xuất phức tạp, khó, đòi hỏi nhiều kỹ thuật để có thể xếp chồng chính xác các lớp bóng bán dẫn lên nhau. Đây là lý do chính giải thích tại sao một bộ nhớ Optane dung lượng 16GB có giá bán gần như ngang ngửa bộ nhớ SSD dung lượng 120GB.
Bộ nhớ Optane hoạt động như thế nào?
Người dùng cần lưu ý rằng bộ nhớ Optane không phải là một bộ nhớ lưu trữ thông thường như HDD, SSD hay loại bộ nhớ cho phép đọc - ghi ngẫu nhiên ở tốc độ cao như RAM, do đó công nghệ đang được sử dụng trên Optane không phải được sử dụng trên các công cụ ở cấp độ lưu trữ thông thường. Mục đích Intel tạo ra Optane là để hoạt động như một bộ nhớ đệm đơn thuần để nối giữa RAM và ổ cứng, cho phép đẩy nhanh quá trình truyền dữ liệu giữa ổ cứng và bộ xử lý.
Bộ nhớ Optane hoạt động gần như là một bộ nhớ đệm.
Với phần mềm quản lý bộ nhớ đệm, những thông tin sẽ được lưu trữ thông minh hơn trên bộ nhớ Optane, từ đó đẩy nhanh quá trình xử lý dữ liệu của máy tính. Cũng nhờ điều này mà tốc độ của máy tính sau khi trang bị bộ nhớ Optane sẽ tăng lên đáng kể, bởi các thao tác như mở ứng dụng hay khởi động hệ điều hành sẽ nhanh hơn so với ổ cứng HDD thông thường. Nhiều người ví rằng bộ nhớ Optane giống như bộ tăng áp của xe hơi, giúp tăng sức mạnh của toàn hệ thống để chiếc xe chạy nhanh hơn và điều này thực sự đúng.
Bộ nhớ Optane giúp máy tính chạy nhanh hơn như thế nào?
Có thể nói bộ nhớ Optane chính là một giải pháp lưu trữ tốc độ cao dành cho doanh nghiệp, nhưng nay được Intel áp dụng để dành cho người dùng phổ thông. Do đó, việc bộ nhớ Optane giúp gia tăng tốc độ cho máy tính là điều chắc chắn và dễ hiểu. Theo số liệu của Intel đưa ra, việc trang bị bộ nhớ Optane cho bo mạch chủ giúp tăng tổng hiệu suất của máy tính lên 28%, tăng 1400% tốc độ khi truy cập dữ liệu cho các ổ cứng cũ và độ phản hồi máy tính nhanh hơn gấp 2 lần. Thực tế nhiều bài thử nghiệm hiệu năng bằng phần mềm cũng cho thấy con số mà Intel đưa ra là khá chính xác và có thể đạt được.
Bộ nhớ Optane giúp tăng tốc toàn bộ hệ thống máy tính.
Anandtech đã thử nghiệm một số bài kiểm tra chuyên sâu và kết quả cho thấy rằng việc kết hợp bộ nhớ Optane với một ổ cứng xoay vật lý thông thường giúp gia tăng đáng kể sức mạnh của toàn hệ thống trong máy tính, thậm chí trong một vài trường hợp còn nhanh hơn cả ổ cứng SSD. Như vậy có thể thấy rằng bộ nhớ Optane không chỉ giúp tăng tốc độ cho máy tính, mà còn 'biến' những ổ cứng HDD thông thường trở nên nhanh hơn và phần nào đó đạt được tốc độ như SSD.
Bộ nhớ Optane có nhược điểm hay không?
Bên cạnh ưu điểm vượt trội của mình, bộ nhớ Optane cũng có nhược điểm lớn nhất chính là mức giá. Do chưa phổ biến và công nghệ chế tạo còn phức tạp, mức giá bán của bộ nhớ Optane là tương đối cao và không dành cho tất cả mọi người. Nhưng trong tương lai khi trở nên phổ biến hơn cũng như các vấn đề về kỹ thuật được giải quyết, có thể giá của bộ nhớ Optane sẽ không còn cao như hiện tại.
Nhược điểm lớn nhất của bộ nhớ Optane chính là giá bán.
Ở thời điểm hiện tại, việc sử dụng bộ nhớ Optane để tăng tốc độ truy xuất dữ liệu cho ổ cứng HDD đang trở thành một giải pháp đầy tính kinh tế, bởi một ổ cứng SSD dung lượng 1TB có giá từ 6-7 triệu đồng, trong khi kết hợp cứng Optane cùng ổ HDD dung lượng 1TB chỉ dao động từ 2-3 triệu đồng. Rõ ràng với những thông tin kể trên, người dùng đã có được câu trả lời chính xác rằng có nên sử dụng bộ nhớ Optane hay không.
Nguyễn Nguyên