So với Vivo V7+, V7 không có bất kì khác biệt nào về ngôn ngữ thiết kế. Máy vẫn trung thành với chất liệu giả kim loại giống như mẫu V7+, cùng các góc cạnh được bo tròn mềm mại kết hợp với tỉ lệ màn hình 18:9 giúp cho cảm giác cầm nắm sử dụng máy rất thoải mái ngay cả với một tay. Điểm giúp phân biệt giữa V7+ và V7 nằm ở kích thước, khi đàn em sinh sau đẻ muộn V7 có màn hình chỉ 5.7 inch thay vì 6.0 inch như trên V7+ nhưng vẫn giữ nguyên độ phân giải HD+.
Dù không phải là chất liệu kim loại nhưng Vivo V7 vẫn mang lại cảm giác khá cao cấp với mặt lưng được tô điểm thêm bởi 4 đường chỉ kim loại chạy ngang ở trên và dưới. Theo cảm nhận của mình, phiên bản màu đen mang đến sự sang trọng và thời trang hơn, vì nó che được phần viền màn hình khá dày phía trước cũng như các cảm biến và cụm camera selfie.
Lại quay về phần màn hình của Vivo V7, nó cho chất lượng hiển thị khá tốt với độ sáng màn hình cao, góc nhìn rộng và khả năng tái tạo màu sắc trung tính và hơi ám hồng nhẹ. Tuy nhiên, không phải là lựa chọn sáng giá nếu các bạn là người yêu thích trải nghiệm các tựa game chất lượng cao trên di động. Bởi độ phân giải thấp nên người chơi sẽ dễ dàng nhận ra được những điểm ảnh trên nhân vật và khi chơi lâu cũng hơi khó chịu một chút.
Vivo V7 vẫn sử dụng con chip Qualcomm Snapdragon 450 tương tự đàn anh V7+ với 8 nhân xử lý xung nhịp 1.8GHz, đồ hoạ Adreno 506 cùng RAM 4GB và bộ nhớ trong 32GB hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ mở rộng và máy được cài sẵn trên nền Android 7.1.2 khá mới với tùy biến giao diện FunTouch OS 3.2. Khi kết hợp cùng màn hình độ phân giải HD+ giúp máy có trải nghiệm các tác vụ thông thường hằng ngày mượt, rất ít gặp hiện tượng giật lag và cho thời lượng pin tốt. Tuy nhiên, để trải nghiệm các tựa game 3D trên sản phẩm này là điều khá khó khăn bởi vi xử lý Snapdragon 450 không quá mạnh để gánh vác được.
Giao diện Funtouch 3.2 trên Vivo V7 không thay đổi nhiều so với những sản phẩm trước đây của hãng. Vivo vẫn học hỏi khá nhiều từ các phiên bản iOS của Apple khi bố trí thanh thông báo ở phía trên và bảng quản lý công cụ vuốt từ dưới lên. Đặc biệt, máy được thêm tích hợp tính năng nhận diện khuôn mặt tương tự các dòng flagship cao cấp như Galaxy S8, Note 8, LG V30 v..v.. cho tốc độ nhận diện khá nhanh. Nhưng, đây chỉ là một trong những cách hỗ trợ người dùng sử dụng máy tiện lợi hơn chứ độ bảo mật không quá cao. Một số tính năng khác mình cũng rất thích trên FunTouchOS là hỗ trợ sử dụng hai tài khoản facebook, wechat cùng trên một thiết bị, chia đôi màn hình, chế độ game mode hay tính năng sử dụng bằng một tay khá hữu ích cho một chiếc phablet cỡ lớn.
Dù có khá nhiều tính năng ấn tượng, nhưng điểm đáng chú ý nhất của Vivo V7 nằm ở camera selfie 24MP khẩu độ f/2.0 đặt ở mặt trước thừa hưởng từ đàn anh V7+. Máy cũng được tích hợp một số tính năng chụp ảnh khá ấn tượng như chế độ chụp xóa phông hay các công cụ để làm đẹp cho khuôn mặt khi chụp hay tính năng đèn flash 'hiệu ứng ánh trăng' (Moonlight Selfie) hỗ trợ chụp selfie tốt hơn trong môi trường thiếu sáng.
Trải nghiệm thực tế cho thấy, chất lượng camera selfie trên V7 tương tự đàn anh V7+ với độ chi tiết ảnh cực cao, làn da được làm mịn và trắng sáng. Người dùng cũng có thể điều chỉnh màu da cũng như độ trắng tuỳ theo sở thích cá nhân, tính năng HDR cũng khá hữu ích khi các bạn selfie trong điều kiện ngược sáng.
Không chỉ tập trung vào camera trước mà chất lượng ảnh từ camera sau của Vivo V7 cũng ở mức đủ dùng nhờ vào cảm biến ảnh 16MP khẩu độ f/2.0, hỗ trợ lấy nét theo pha và sử dụng đèn LED trợ sáng. Giao diện chụp ảnh cũng được làm rất giống trên iOS với khá nhiều tính năng chụp ảnh hữu ích như chế độ chụp ảnh chuyển động chậm, chụp ảnh tua nhanh, bộ lọc màu, chụp UltraHD hay chế độ chụp chuyên nghiệp cho phép tinh chỉnh sau các thông số hình ảnh.
Trải nghiệm thực tế cho thấy, chất lượng camera chính của máy chỉ dừng lại ở mức đủ dùng, khá ổn khi chụp ban ngày nhưng nhanh chóng suy giảm chất lượng và tốc độ lấy nét khi phải chụp trong các điều kiện ánh sáng yếu hoặc buổi tối, HDR cũng chỉ ở mức trung bình và chế độ chụp Ultra HD không cải thiện gì nhiều ngoài việc tăng độ phân giải bức ảnh lên 4K (và kéo theo dung lượng ảnh tăng lên... gấp 3). Độ tái tạo chi tiết và màu sắc chỉ dừng lại ở mức khá khi đủ sáng và bệt nặng khi thiếu sáng.Bù lại, một loạt bộ bộ lọc khá hữu ích trong việc 'sáng tác' ảnh, giúp bạn thể hiện các gam màu cũng như ý đồ dễ hơn khi chụp. Bạn cũng có thể tận dụng nó để che lấp một vài khuyết điểm của camera trong một vài tình huống nhất định.
Kết luận
Với việc các hãng điện thoại di động liên tục tung ra những mẫu smartphone chạy theo xu hướng màn hình tràn viền cùng camera selfie độ phân giải khủng đang giúp người dùng có thêm nhiều sự lựa chọn hấp dẫn trong phân khúc tầm trung. Nhưng để có được những thứ như vậy thì người dùng cũng phải đánh đổi khá nhiều thứ như dùng chất liệu giả kim loại, vi xử lý yếu và màn hình độ phân giải không cao.
Tóm lại, nếu bạn là người cần một sản phẩm sở hữu màn hình tràn cạnh, camera selfie cực sắc nét cùng khả năng mở khoá bằng khuôn mặt khá hữu ích và không qua tâm nhiều về hiệu năng cũng như độ phân giải màn hình thì Vivo V7 sẽ là một sự lựa chọn đáng cân nhắc trong phân khúc 7 triệu đồng.
Nguồn: http://www.techrum.vn/threads/danh-gia-vivo-v7-man-hinh-tran-vin-camera-selfie-khung-co-giup-v7-canh-tranh-cung-di-thu.163958/