Vivo X21 UD là chiếc máy smartphone đầu tiên thế giới sở hữu cảm biến vân tay nhúng trong màn hình. Vậy ngoài đặc điểm đó, liệu camera trên Vivo X21 UD có gì đặc biệt?
Điểm qua chút về thông số cấu hình, Vivo X21 UD (mình tạm gọi tắt là X21) sở hữu cụm camera kép phía sau 12 MP - khẩu độ F/1.8 + 5 MP - khẩu độ F/2.4. Một thông số không quá ấn tượng, nếu không muốn nói là khá tương đồng nhiều smartphone tầm trung cho đến cận cao cấp hiện nay.
Và theo như mình tìm hiểu các thông số còn lại, Vivo X21 UD không hề có chống rung quang học cũng như hỗ trợ zoom quang 2X. Bù lại máy có khả năng lấy nét DualPixel khá nhanh cùng kích thước cảm biến chính lên đến 1.4µm.
1. Đầy đủ ánh sáng
Trong điều kiện đầy đủ sáng, với một chiếc máy thuộc phân khúc cao cấp như X21 thì không thể nào gặp khó khăn được.
Chi tiết ảnh cho ra khi đầy đủ ánh sáng nét đều từ tâm cho đến rìa ảnh. Đặc biệt màu sắc cho ra có phần tươi tắn, có chút đẩy tone trắng nhẹ và không quá rực rỡ. Nếu anh em nào hay dùng Instagram, thì màu cho ra từ X21 khá giống màu Juno.
Khi zoom lên 150%, các chi tiết đều rất ấn tượng và thấy rõ được sự tách bạch vùng chuyển màu từ tone đỏ của chôm chôm sang xanh pha chút vàng của xoài.
Zoom 150% để kiểm tra độ chi tiết và vùng chuyển màu.
Tấm này mình đi ngang một con hẻm, thấy bức tường graffity đẹp quá liền giơ máy ra chụp. Trên X21 có thể cài đặt ấn giữ phím giảm volume 3 giây để truy cập nhanh camera
Bù lại thì thao tác ấy chỉ mở camera khi màn hình tắt, cá nhân mình thích cách ấn 2 lần nút nguồn để mở camera ở bất kì tình huống nào hơn như trên các máy Samsung, Nokia, ...
Nhìn chung, X21 đáp ứng được cho mình những kì vọng nhất định ở môi trường này bao gồm: lấy nét cực kì nhanh, tốc độ chụp - lưu gọn gàng, chi tiết tốt cùng tương phản cao.
Duy có một điểm mình chưa hài lòng có lẽ là rìa ảnh khá méo và quang sai không ổn định lắm ở rìa phải.
2. Ngược sáng
Một điểm mình khá thích trên X21 chính là chế độ HDR tự động, mình luôn luôn bật nó lên để kiểm soát tốt hơn dải dynamic range hạn hẹp thường thấy trên các camera-phone.
Phần mây trời được tái tạo lại tốt, khi zoom sát vào vùng shadow và black thì chi tiết được đẩy nhẹ sáng lên một chút. Vừa đủ, không quá sáng khiến noise trông giả tạo như một vài máy đến từ Trung Quốc khác.
Zoom 200% vào vùng shadow - black để kiếm tra khả năng tái tạo HDR.
Những điểm ấn tượng của chế độ HDR có thể kể đến bao gồm tốc độ xử lý nhanh, gần như mình ấn chụp và máy đã lưu ảnh rồi. Màu sắc khi bị tăng clarity quá đà khiến nhạt, vẫn ở mức chấp nhận được, tất nhiên bạn hoàn toàn có thể chỉnh sửa lại ảnh cho rực rỡ thêm nếu thích.
Điểm thích thú khi chụp HDR chính là bức ảnh cho chất lượng tốt hơn, dải nhạy sáng rộng hơn, thu được nhiều chi tiết hơn từ vùng sáng - vùng tối mà nếu chụp vội vàng sẽ không kịp ghi lại.
Cá nhân mình khá ấn tượng với cách xử lí ảnh HDR từ phần mềm camera của X21, không đẩy tương phản quá nhiều khiến ảnh gân guốc.
Tuy nhiên cần lưu ý tùy trường hợp mà người dùng không nên lạm dụng HDR quá đà. Tips nhỏ có thể kể đến như trời âm u, ít nắng thì cứ tắt HDR, lấy sáng vào vùng tối thì ảnh sẽ tươi mát hơn.
3. Trong nhà
Chuyển sang điều kiện trong nhà, X21 nhờ trang bị công nghệ lấy nét DualPixel thường thấy trên các flagship cao cấp nhà Samsung, HTC, ... Nên dù ánh sáng có phức tạp hơn, nhưng khả năng lấy nét vật thể vẫn nhanh và đúng ý mình muốn.
Ngược lại khi chụp ngược sáng cần cân nhắc tùy tình huống, riêng khi di chuyển vào trong nhà cứ bật HDR tự động. Bởi môi trường này có thể có vùng tối, có vùng sáng bởi ánh sáng tự nhiên, ánh sáng đèn,... rất khó kiểm soát. Và chế độ HDR tự động là cứu cánh hợp lí.
Với khẩu độ lớn lên đến F/1.8, ảnh trên X21 thu được ánh sáng khá tốt trong những tình huống chênh sáng thế này.
Trong môi trường trong nhà, nhiều máy cận cao cấp có xu hướng bị haze bởi bóng đèn, lấy nét không ổn định, ảnh bệt do vùng sáng phức tạp. Nhưng X21 hoàn toàn làm mình hài lòng, lấy nét nhanh và chi tiết mang lại ở mức khá, màu sắc chưa bị rửa trôi quá nhiều và quan trọng trên hết là kiểm soát ánh sáng từ bóng đèn tốt.