Apex M750 và M750 TKL sử dụng switch linear, đèn RGB đẹp, thiết kế bền bỉ, rất tối ưu cho nhu cầu chơi game nhưng lần này SteelSeries vẫn còn nhiều thiếu sót rất cơ bản để có thể khiến bộ đôi này trở cạnh tranh tốt hơn. Apex M750 có giá khoảng 3,4 triệu đồng trong khi phiên bản TKL có giá 2,9 triệu đồng.
Trải nghiệm của mình với bàn phím của SteelSeries trước đây khá nhàm chán bởi đầu tiên với Apex M800 dùng switch QS1 - một loại switch do SteelSeries hợp tác cùng Omron phát triển vốn bị chê là giống giả cơ (phím vòm cao su) và không thể thay keycap được. Tiếp đó khi SteelSeries ra mắt dòng 6G v2 dùng switch Cherry MX, mọi thứ trở nên tốt hơn nhưng 6G v2 lại không có đèn nền lúc đó vốn là xu hướng. Mãi đến gần đây mình mới dùng lại một chiếc bàn phím của SteelSeries, nó khiến mình cảm thấy có hứng hơn.
Thiết kế của Apex M750 và M750 TKL có thể nói y hệt dòng M650 được SteelSeries ra mắt năm ngoái. M650 là một câu chuyện khá lạ của SteelSeries khi chiếc bàn phím này còn không được hãng đăng tải thông tin trên trang chủ Mình có được biết M650 được thiết kế dành cho thị trường Đông Nam Á để thăm dò phản hồi và M750 là sản phẩm chính thức. Vì vậy M750 lẫn M750 TKL có nhiều điểm cải tiến đáng chú ý hơn.
Apex M750 là bàn phím cỡ full-size 104 phím nên chúng ta thường sẽ để một chỗ nhưng với trọng lượng cực nhẹ, chưa đến 1 kg thì khi cần bạn vẫn có thể đem theo được. M750 cũng là chiếc bàn phím cơ full-size nhẹ nhất trên thị trường theo cảm nhận của mình. Trong khi đó M750 TKL là phiên bản thu gọn với 87 phím theo layout tenkeyless tiêu chuẩn, nó giống như phiên bản M750 full-size bị cắt đi phần phím số numeric, còn lại thiết kế tương tự và dĩ nhiên nhẹ hơn, dễ đem theo hơn.
Mặc dù nhẹ nhưng chất lượng build của Apex M750 và M750 TKL rất tốt, không có cảm giác ọp ẹp nhờ khung được làm bằng hợp kim nhôm 5000 - loại nhôm siêu bền được sử dụng trên máy bay. Mình đã thử bóp, nắn, vặn và cái bàn phím vẫn trơ trơ, anh em có thể xem trong video. SteelSeries cho biết Apex M750 'bao đập' khi cơn điên nổi lên mỗi khi hụt headshot hay combat gặp đồng đội óc … à mà thôi.
2 bên còn có 2 phôi nhôm lồi ra được cắt diamond cut trông rất cao cấp. Đây cũng là yếu tố thiết kế tạo điểm nhấn trên bàn phím của SteelSeries, có từ thời Apex M800.
Đáy của Apex M750 được làm bằng nhựa cứng, có 2 nút cao su lớn và 2 dải cao su mỏng phía trước chống trượt rất tốt. Dù vậy điều mình không thích là Apex M750 lẫn M750 TKL lại không được trang bị chân chống để điều chỉnh độ cao mà thay vào đó nút cao su chống trượt sẽ đóng vai trò này.
Độ nghiêng của M750 là khoảng 7,5 độ, một độ nghiêng phổ biến trên thiết kế bàn phím và khi đặt tay lên gõ thì cổ tay không bị gập. Khi cần tăng độ cao, chúng ta có thể tháo nút cao su ra và thay bằng 2 cái nút khác cao hơn. Nó không mấy tiện dụng khi cần điều chỉnh nhanh.
Ở tầm giá trên 3 triệu thì mình kỳ vọng khá nhiều ở một chiếc bàn phím cơ, một trong số đó là kê tay và cáp bọc dây dù nhưng cả 2 đều không có với Apex M750 lẫn M750 TKL. Thêm vào đó sợi cáp kết nối bằng cao su trên Apex M750 khiến chiếc bàn phím trông thiếu cao cấp dù biết rằng cáp cao su khiến nó nhẹ hơn so với cáp bọc dù. Với phiên bản M750 TKL thì dây bằng cao su dễ chấp nhận hơn nhưng dây cao su dường như là truyền thống của SteelSeries rồi.
Apex M750 và M750 TKL được trang bị keycap ABS xuyên LED với bề mặt được phủ soft-touch giống như kiểu hoàn thiện của hầu hết các loại phím cơ trong phân khúc có tích hợp đèn LED. Keycap có kích thước tiêu chuẩn nên việc thay thế keycap cũng không quá khó khăn. Bề mặt phủ soft-touch mang lại cảm giác tiếp xúc thích tay hơn nhưng cũng dễ bám vân tay, nhất là những ai nhiều mồ hôi tay. Điều mình thích trên thiết kế keycap của SteelSeries là font chữ rõ ràng, đều nét, hoàn thiện rất tốt.
Về switch, SteelSeries một lần nữa dùng switch QX2 hợp tác với Gateron, rất giống với switch Cherry MX Red. Thiết kế switch nhìn qua không khác gì dòng Cherry MX Red RGB với housing trong suốt nhưng đèn RGB lại tích hợp phía trên switch giống như kiểu tích hợp đèn trên dòng switch Cherry MX đời trước hay switch của Razer. Chiếc đèn LED này có vỏ ngoài hơi đục và tỏa quanh phần housing trong suốt của switch khiến ánh sáng đèn không quá gắt và ngọt mắt. Để khắc phục tình trạng sáng trên mờ dưới trên keycap thì SteelSeries đã thiết kế ký tự chính lẫn phụ đều nằm phía trên, ánh sáng đèn bên dưới đi lên trực tiếp.
QX2 có thông số tương tự Cherry MX Red với kiểu switch linear (nhấn thẳng từ trên xuống không phát ra tiếng clicky hay có khấc phản hồi tactile) với lực nhấn 45 g, tổng hành trình 4 mm và kích hoạt ở 2 mm. Cảm giác gõ khá giống Cherry MX Red nhưng có một số điểm mình lưu ý với anh em.
Đầu tiên là việc thiết kế switch hở chân, keycap khá giòn và plate nhôm bên dưới rỗng khiến âm thanh phát ra khá to nếu so với Cherry MX Red cùng thiết kế hở chân và plate nhôm, mình đối chiếu với con Ozone Strike Battle hay thiết kế đóng như G.Skill KM570 Red. Nếu anh em thích một chiếc bàn phím switch linear mà có tiếng rõ để tăng cảm giác nhấn thì M750 đáp ứng được điều này.
Tiếp theo là cảm giác gõ rất đặc trưng, QX2 về cơ bản chính là Gateron Red và nếu anh em đang dùng dòng switch này thì có thể thấy nó không khác nhiều so với Cherry MX Red về lực nhấn cũng như hành trình và điểm kích hoạt nhưng … QX2 rất rất mượt. Chuyển động của slider khi nhấn xuống đi thẳng, nhẹ nhàng, mượt mà và hầu như không cảm thấy phản lực lên đầu ngón tay do sức căng lò xo. Thành ra khi đặt tay nghỉ trên bàn phím, nhiều phím có thể vô tình bị kích hoạt. Vì vậy M750/M750 TKL với QX2 tối ưu cho chơi game, nhất là những tựa game cần thao tác tay nhanh hay nắn nót như MOBA, RTS, đua xe … Nếu dùng M750/M750 TKL để gõ phím thì mọi thứ cũng tạm ổn, một khi đã quen với layout và cảm giác nhấn thì bạn có thể gõ rất nhanh và ít mỏi khi gõ lâu bởi bạn không cần dùng nhiều lực. Tuy nhiên nếu có thói quen gõ mạnh tay và tì phím thì bạn sẽ cần dùng đến nút Backspace nhiều hơn để xóa những ký tự không mong muốn.
Theo trải nghiệm của mình, bạn nên mua thêm một miếng kê tay nếu sử dụng với M750 và M750 TKL bởi lúc đó cổ tay sẽ thoải mái hơn, tay có thể đặt tự nhiên trên bàn phím với ít lực tác động lên hơn, từ đó mang lại trải nghiệm gõ phím tốt hơn.
Về hệ thống đèn RGB thì SteelSeries M750/M750 TKL được hỗ trợ bởi SteelSeries Engine 3 chứ không như M650 trước đây. Thành ra chúng ta có thể tùy biến thoải mái hệ thống đèn này, chỉnh màu đèn trên từng phím với rất nhiều hiệu ứng cũng như các chế độ đồng bộ Prism, tùy biến theo game … Chuyển động của đèn rất mượt và lịch sự, SteelSeries đã làm rất tốt khoảng này.
Nhìn chung bộ đôi SteelSeries M750/M750 TKL thể hiện một sự thay đổi của hãng phụ kiện chơi game gốc Đan Mạch về cách tiếp cận thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu của người dùng cũng như xu hướng. Thiết kế tốt, bền bỉ, cung cấp đầy đủ tính năng mà một game thủ cần. Tuy nhiên, trong thị trường bàn phím cơ chơi game vốn đông đúc thì SteelSeries vẫn có thể tìm hướng đi riêng với bộ đôi M750 nhờ sử dụng loại switch QX2 cho trải nghiệm chơi game rất tốt và khả năng tương thích keycap Cherry MX có thể làm hài lòng game thủ thích cá nhân hóa bàn phím của mình. Ngoài ra, hệ thống đèn RGB đẹp và tùy biến thoải mái thông qua SteelSeries Engine cũng là một điểm cộng trên M750/M750 TKL. Thế nhưng SteelSeries vẫn cần phải cải tiến đôi chút để M750/M750 TKL có thể cạnh tranh tốt hơn cũng như thu hút được người dùng hơn.
Điểm mình thích trên M750/M750 TKL:
- Thiết kế tốt, rất chắc chắn nhờ hợp kim nhôm 5000;
- Feet cao su có độ bám tốt, ổn định trên mặt bàn;
- Switch QX2 tốc độ cao, mượt và chơi game đã;
- Khả năng tương thích tốt với Cherry MX keycap;
- Hệ thống đèn RGB đẹp, lịch sự, tùy biến cao.
Điểm mình chưa thích trên M750/M750 TKL:
- Không có chân chống thay đổi nhanh độ nghiêng phím, phải thay feet cao su mất thời gian;
- Không tặng kèm kê tay trên phiên bản full-size;
- Dây cáp bằng cao su;
- Không có tùy chọn switch khác, chỉ duy nhất QX2 linear nên khó đáp ứng nhu cầu đa dạng;
- Giá cao.