Mình đã sớm mượn được chiếc bàn phím này, mức giá vào khoảng 2,9 triệu đồng. Mời anh em cùng xem qua:
Thực sự mà nói thì thị trường bàn phím cơ dành cho game thủ hiện nay đã rất đông đúc với rất nhiều hãng sản xuất từ lâu năm đến non trẻ. Logitech cũng không đứng ngoài xu hướng này khi trong những năm gần đây, hãng đã liên tục tung ra các dòng phím cơ dùng xen kẽ giữa 2 loại switch là Romer-G và Cherry MX nhưng những sản phẩm mới nhất như G Pro, G413 hay G512 hôm nay đều sử dụng Romer-G. Đây cũng là một chiến lược của Logitech bởi phân khúc phím cơ dùng switch Cherry MX đang cạnh tranh rất gay gắt thành ra việc phát triển một loại switch riêng, tối ưu hơn cho game sẽ giúp Logitech dễ tiếp cận các đối tượng người dùng mới hơn, những ai mới làm quen với bàn phím cơ chơi game và cần một chiếc bàn phím cơ chơi game thật sự.
Romer-G được hãng ra mắt lần đầu trên chiếc bàn phím cơ G310 Atlas Dawn từ cách đây 3 năm. Đặc tính của loại switch này là nó khá giống với Cherry MX Brown về lực nhấn 45 g cũng như có khấc phản hồi xúc giác (tactile bump) tuy nhiên hành trình phím gắn hơn đôi chút và điểm kích hoạt (actuation point) cũng sớm hơn. Tổng hành trình của Romer-G từ trạng thái nghỉ đến khi bấm hẳn xuống (bottom out) khoảng 3,2 mm trong khi đó dòng switch Cherry MX phổ biến là 4 mm, thêm vào đó điểm kích hoạt (actuation point) vào khoảng 1,5 mm trong khi dòng Cherry MX thường là 2 mm. Dựa trên những con số này thì tốc độ phản hồi của Romer-G nhanh hơn Cherry MX 25%. Đó là chưa kể về những khác biệt về thiết kế và cơ chế kích hoạt của Romer-G với hệ thống 2 cặp lá kim loại có cơ chế đóng mở mạch (nhận tín hiệu khi nhấn xuống) so le thay vì chỉ 1 cặp lá tĩnh và động chặp vào nhau để đóng mở mạch như trên switch Cherry MX. Độ bền của loại switch này cũng vì thế mà cao hơn với 70 triệu lần nhấn.
Romer-G ngay từ đầu đã được thiết kế dạng switch tactile không clicky như Cherry MX Brown với khấc phản hồi nằm trên 2 chân của slider. Và sau 5 năm, Logitech đã tung ra dòng Romer-G linear - không có khấc phản hồi xúc giác, nhấn một phát là thẳng tuột từ trên xuống dưới giống như dòng switch Cherry MX Red phổ biến trên các dòng bàn phím cơ chuyên game. Tuy nhiên, nếu so sánh với một dòng switch nào đó của Cherry thì Romer-G linear mang lại cảm giác bấm rất giống với Cherry MX Speed (Silver) với hành trình ngắn và điểm kích hoạt ngắn. Tuy nhiên, Cherry MX Speed còn nhanh hơn bởi nó có điểm kích hoạt chỉ 1,2 mm, ngắn hơn 0,3 mm so với Romer-G linear.
Trải nghiệm gõ thực tế cho thấy Logitech G512 với Romer-G linear mang lại cảm giác gõ khá giống với Cherry MX Speed. Dù điểm kích hoạt của switch được Logitech tiết lộ là tương đương Romer-G tactile nhưng mình cảm giác nó ngắn hơn, hành trình khoảng từ 1,3 đến 1,4 mm đúng hơn và lực nhấn thì tương đương Cherry MX Speed. Mình nhận ra được điều này nhờ đang sử dụng chiếc bàn phím G.Skill RipJaws MX570 RGB Cherry MX Speed. Thành ra khi thao tác với loại switch này, chúng ta không cần dùng nhiều lực như các loại switch thông thường, chỉ cần nhích nhẹ ngón tay là đã ăn phím. Với những anh em có nhu cầu chơi game nhiều thì Romer-G linear rất lý tưởng nhưng cũng tùy vào thói quen và loại game anh em chơi. Chẳng hạn như khi chơi CS:GO cần nhấp nhả AD thì cảm giác nhấn qua lại giữa 2 phím này rất nhanh, không mất nhiều lực, nắn nót và nhẹ nhàng. Thêm vào đó với những tựa game cần spam phím nhiều thì Romer-G linear cũng giống như Cherry MX Speed sẽ phát huy thế mạnh về lực nhấn, điểm kích hoạt ngắn và hành trình ngắn.
Tuy nhiên với những ai thích có cảm giác nhiều hơn khi chơi game và đặc biệt là có nhu cầu gõ văn bản nhiều song song với game thì Romer-G linear không thật sự lý tưởng. Câu chuyện của nó cũng giống như Cherry MX Red hay Speed bởi thiếu khấc phản hồi cùng với hành trình ngắn khiến cảm giác nhấn không được thoải mái và tự tin như Romer-G tactile hay các loại switch Cherry MX không linear khác.
Về hệ thống đèn, G512 về cơ bản nâng cấp từ G413 với đèn LED RGB bên dưới mỗi phím và nó có thanh tinh thể để đưa ánh sáng lên thay vì là một lỗ trống không như G413 vốn có giá rẻ hơn và đèn LED đơn. Với LED RGB kèm thanh tinh thể thì hiệu quả chiếu sáng của G512 tương tự các dòng G Pro hay G610 Orion Spectrum. Ánh sáng tỏa ra đều và đi thẳng lên ký tự trên keycap, không đánh xuống vỉ phím và cũng không bị chênh chỗ sáng chỗ tối như đèn trên tích hợp trong switch Cherry MX RGB.
Keycap trên G512 vẫn là loại ABS khá mỏng nhưng phần ký tự và 4 chấu để gắn với slider trên switch Romer-G đã được làm cứng hơn. Nắp keycap có ký tự được khoét rỗng và đắp bên dưới là một lớp nhựa trong mờ và sần. Ánh sáng đèn đi lên dịu mắt, ký tự phụ thuộc các phím chức năng như điều chỉnh âm thanh, phát nhạc … cũng được thay đổi đôi chút, đường cắt mảnh hơn và ánh sáng phát ra đều hơn.
Nói về tổng thể bàn phím thì G512 có thiết kế full-size 104 phím tương tự G413, thiết kế phím hở chân theo xu hướng bàn phím cơ hiện nay. Vỉ phím được làm bằng hợp kim nhôm-magnesium loại được dùng trên máy bay. Lớp nhôm này dày khoảng 3 mm và đây cũng là yếu tố khiến bàn phím trở nên chắc chắc hơn và bền bỉ hơn. Layout phím cũng không còn phím cuộn tăng giảm âm lượng trên G610 hay các phím chức năng đặt riêng như trên G Pro, phải dùng tổ hợp với phím Fn.
Thiết kế phần đáy vẫn rất quen thuộc với các họa tiết chéo hầm hố, 6 miếng feet cao su dày chống trượt và các rãnh luồn dây dành cho chuột hay tai nghe. Riêng phần chân chống được thiết kế mở sang 2 bên mang lại độ vững chãi tốt hơn so với thiết kế mở lên thông thường.
Dây cáp của G512 cũng rất dày, bện dây dù chắc chắn và có 2 đầu USB gồm một đầu dành cho tín hiệu từ bàn phím và một đầu dữ liệu cho cổng USB tích hợp trên bàn phím. Cũng giống như G413, G512 có cổng USB passthrough nhưng chỉ hỗ trợ USB 2.0 thành ra nó phù hợp để sử dụng với chuột hay tai nghe hơn là các thiết bị lưu trữ.
Ngoài ra trên G512 còn có một lỗ để bắt ốc và mình được biết thành phần này sẽ dành cho một thiết bị có tên là Logitech Bridge - giúp hiển thị layout bàn phím và bàn tay ảo để chúng ta có thể gõ khi đang đeo kính thực tế ảo như HTC Vive hay Oculus Rift.
Là bàn phím mới nền G512 vẫn chưa được hỗ trợ trên phần mềm Logitech Gaming Software ít nhất là vào thời điểm bài viết này được đăng tải. Một khi đã hỗ trợ thì có thể hình dung các thiết lập về đèn, macro và nhiều tính năng râu ria khác thường thấy trên các dòng phím đèn RGB như G Pro, G610 Orion Spectrum hay G910 Orion Spark sẽ xuất hiện tương tự trên G512.