Việc sử dụng T2 cho phép Apple có nhiều quyền kiểm soát hơn với iMac Pro, giảm sự phụ thuộc vào các bên thứ ba và có thể đảm bảo hiệu năng của máy ở mức tối ưu trong khi tăng cường tính bảo mật. À, cũng xin đừng nhầm lẫn T2 với CPU, iMac Pro vẫn cần CPU Intel Xeon 8 hay 14 nhân để chạy và CPU vẫn là bộ não của máy.
Boot 2 lần!
Điểm đáng chú ý nhất là những tính năng bảo mật mà T2 mang trong mình. Khi bạn khởi động iMac Pro, logo Apple sẽ xuất hiện và T2 sẽ làm nhiệm vụ xác thực thông tin cho cả quá trình boot theo các bước sau: chạy lên > kiểm tra một số phần cứng và phần mềm > tải bootloader > xác thực rằng bootloader đã chính xác và có chữ kí số của Apple nhúng trong đó. Nếu mọi thứ ổn, quy trình boot truyền thống mới chạy lên để đưa bạn vào macOS. Điều này giúp đảm bảo không có malware nào có thể can thiệp vào quá trình khởi động để chèn mã độc vào RAM hoặc xâm nhập vào những vùng nhạy cảm của hệ thống. Tốc độ boot thì vẫn nhanh và không có nhiều khác biệt so với các máy Mac khác.
Nói cách khác, nếu macOS đã bị can thiệp hay chỉnh sửa, T2 sẽ không cho phép máy chạy lên, và một bản update không thành công cũng có khả năng làm cho máy 'lên dĩa'.
Trong iMac Pro, có một công cụ gọi là Startup Security Utility, bạn chỉ có thể truy cập nó từ chế độ Recovery Mode mà thôi (nhấn Command + R). Đây là nơi bạn thiết lập mức độ bảo mật mà T2 áp xuống máy. Mặc định, nó được thiết lập Full, ngoài ra còn có chế độ Medium (cho phép máy chạy macOS không cần biết có chữ kí của Apple hay không) hoặc tắt hẳn tính năng bảo mật này.
Nếu bạn cài Windows lên iMac Pro, T2 vẫn tương thích với quy trình boot của Microsoft nên sẽ không có xung đột nào xảy ra.
Camera FaceTime tốt hơn
iMac Pro được tích hợp camera 1080p, độ phân giải cao hơn so với webcaom 720p đang dùng cho iMac 5K. Tuy nhiên, camera FaceTime này lại được điều khiển bởi T2, bên trong T2 là một bộ xử lý hình ảnh do chính Apple làm với khả năng nhận diện gương mặt! Tính năng đó giúp T2 thiết lập độ sáng và cân bằng trắng cho gương tốt hơn so với bình thường, ngoài ra nó còn có thể điều chỉnh các thông số phơi sáng nhanh hơn. Đây cũng là cách mà camera của iPhone hoạt động từ trước đến nay.
Điều khiển SSD
Trong các máy tính bình thường, bộ điều khiển chip nhớ flash của ổ SSD thường được tích hợp lên mainboard hoặc bên trong ổ như là một con chip độc lập. Còn với iMac Pro, bộ điều khiển này được đưa vào T2 luôn. Ổ SSD cũng được T2 mã hóa nên đem sang máy khác không thể nào đọc được, và việc mã hóa này diễn ra theo thời gian thực. Vì T2 đã giảm bớt gánh nặng mã hóa nên CPU có thể tập trung toàn lực cho những tác vụ khác quan trọng hơn và giúp máy tính chạy nhanh hơn. Tốc độ mã hóa vào khoảng 3GB / giây.
Một chiếc máy tính lai giữa Intel và ARM? Không hẳn
Trước khi iMac Pro ra mắt, có nhiều người nghi ngờ rằng nó sẽ chạy cả chip Intel lẫn chip ARM nào đó do Apple thiết kế để cân bằng giữa hiệu năng và mức độ tiêu thụ điện. Tuy nhiên điều này không hợp lý vì iMac Pro là máy bàn, việc tiết kiệm điện không có nhiều ý nghĩa với nó. iMac Pro vẫn sẽ chạy chính bằng chip Intel Xeon vốn rất mạnh mẽ. T2 ở đây đóng vai trò bổ trợ, gác cổng mà thôi.
Nguồn: MacWorld