Phần cuối của Kỷ nguyên EOS sẽ nói về những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại khá thú vị về những sản phẩm của tập đoàn Canon.
Đọc lại các phần 1 và phần 2 của Kỷ Nguyên EOS
Loa che ống kính (lens hood)
Lắp hood cho ống kính khi chụp và có thể lắp ngược khi nghỉ.
Gần như tất cả các ống kính của Canon đều có thể lắp hood, trừ một số ống góc cực rộng thì hood liền thân ống, hoặc một số ống kính đặc biệt thì không thể gắn hood. Bên cạnh việc làm ống kính trở nên to hơn, gây ấn tượng với dân ngoại đạo thì việc sử dụng hood là hết sức cần thiết vì 2 lý do sau:
– Nó cản bớt ánh sáng thừa đi vào ống kính, gây lóe hình.
– Bảo vệ đầu ống kính nếu không may bị va đập.
Nguồn: The Digital Picture
Loa che ống kính có nhiều loại, trong đó 2 loại chính là dạng trụ tròn và dạng cánh hoa. Dạng cánh hoa thì thường sử dụng với các lens zoom, còn dạng trụ tròn thường dành cho các ống kính fix hoặc tele.
Cách đặt tên hood của Canon khá kì cục, tuy nhiên, vẫn ít nhiều cho bạn biết ống của mình cần dùng loại nào.
– Chữ cái đầu tiên: E: Hood này chỉ dùng cho các ống kính EF/EF-S.
– Chữ cái thứ hai: W (wide): dùng cho ống góc rộng; S (standard): dùng cho các ống normal, như 50mm; T (telephoto): sử dụng cho các ống từ 85mm trở lên.
– Sau hai chữ này là một con số chỉ đường kính gắn loa che (đơn vị mm). Một số loa che gắn nhanh bằng cơ cấu đặc biệt (xoay và khoá lại) số khác thì có thể dùng các cơ cấu khoá nhờ các đầu hãm bằng nhựa đàn hồi, nói chung các ống kính đời mới dùng kiểu thứ nhất và các ống đời cũ dùng kiểu thứ hai. Cỡ của các loa che đôi khi được ký hiệu thêm bằng chữ từ A đến D. Ký hiệu này cho biết kiểu loa che nhưng không cho biết nó lắp được cho ống kính nào. Các ký hiệu này cũng không cho ta biết loa che thuộc loại “ống” hay loại “cánh hoa”.
– Sau cùng, ký hiệu loa che có thể kết thúc bằng chữ số La mã chỉ phiên bản chế tạo, như II hoặc III. Nói chung, phiên bản II và III có tráng bên trong bằng vật liệu không phản xạ ánh sáng như nhung đen chẳng hạn. Các loa che không ghi phiên bản thì chỉ được sơn đen trong lòng mà thôi, thế nhưng điều này cũng lại phụ thuộc vào thời điểm sản xuất loa che đó.
Ví dụ ở đây EW-83L (W biểu hiện cho để lắp cho ống kính góc rộng, 83 là đường kính)
Một số loa phiên bản II cho ta nhiều khoảng không phía đầu ống kính hơn nên có thể lắp cả các kính lọc dạng phân cực.Nói chung, nếu cùng cỡ thì có thể lắp hood của ống góc rộng lên ống tele, và của ống tele lên ống góc rộng. Tuy nhiên lắp hood tele lên ống góc rộng thì hình sẽ bị tối 4 góc. Do đó bạn nên cẩn thận trước khi mua hood. Dù sao thì khi mua các ống tầm trung hoặc các ống dòng L bạn luôn được tặng kèm hood được thiết kế chuyên cho ống đó nên cũng không phải lo lắng.
Những mốc thời gian quan trọng về công nghệ trong 30 năm EOS
Các Canonian có thể sẽ vô cùng thích thú khi biết Canon đã là hãng đầu tiên trong việc nghiên cứu và áp dụng nhiều công nghệ tân tiến lên lên dòng EF:
– Tháng 11-1987: ống kính tích hợp mô-tơ USM đầu tiên trên thế giới: EF 300mm f/2.8L USM
– Tháng 9-1989: ống kính có mô-tơ lấy nét tự động với khẩu độ lên f/1 đầu tiên trên thế giới: EF 50mm f/1.0L USM
– Tháng 1-1993: ống kính siêu zoom 10x đầu tiên trên thế giới cho các máy SLR: EF 35-350mm f/3.5-5.6L USM
– Tháng 5-1993: ống kính đầu tiên trên thế giới dùng thấu kính Super UD: EF 400mm f/5.6L USM.
– Tháng 9-1995: ống kính có chống rung đầu tiên trên thế giới ra đời: EF 75-300mm f/4-5.6 IS USM.
– Tháng 9-2001: ống kính có nhóm thấu kính DO đầu tiên trên thế giới: EF 400mm f/4 DO IS USM.
– Tháng 12-2008: ống kính đầu tiên trên thế giới dùng lớp phủ SWC chống lóe hình: EF 24mm f/1.4L II USM.
– 2009: ống kính đầu tiên trên thế giới có tính năng ổn định hình ảnh “lai” (hybrid IS): EF 100mm f/2.8L Macro IS USM.
– Tháng 10-2010: ống kính đầu tiên trên thế giới có lớp phủ flourine: EF 70-300mm f/4-5.6L IS USM.
– 2011: ống kính zoom mắt cá đầu tiên trên thế giới: EF 8-15mm f/4L Fisheye USM.
– Tháng 6-2012: ống góc rộng đầu tiên thế giới có IS: EF 24mm f/2.8 IS USM.
– Tháng 5-2013: ống kính zoom siêu tele đầu tiên trên thế giới có tích hợp bộ nhân tiêu cự 1,4x: EF 200-400mm f/4L IS USM Extender 1.4x.
– Tháng 2015: ống kính một tiêu cự góc rộng đầu tiên trên thế giới có thấu kính thủy tinh hữu cơ: EF 35mm f/1.4L II USM (với công nghệ BR – Blue spectrum Refractive)
Phân loại ống kính
Về cơ bản ống kính của Canon chỉ gồm L và không thuộc dòng L. Tuy nhiên các ống không thuộc dòng L thì vô cùng đa dạng về tính năng cũng như giá cả, nên một cách không chính thức thì chúng ta có thể phân loại ra như sau:
1. Ống kính bình dân:
Đây là nhóm cuối cùng, các ống thuộc nhóm này có giá rất rẻ, không in thước đo. Phần lớn trong số chúng có chất lượng quang học trung bình dưới, khẩu độ nhỏ, chỉ trừ các ống 1 tiêu cự như 50mm f/1.8 II, 28mm f/2.8 thì có chất lượng quang học khá, 50mm f/1.8 STM có chất lượng tương đối tốt về khung vỏ cũng như quang học.
Chúng đều có đặc điểm chung là vỏ bằng nhựa, phẳng, thẳng, các ống từ năm 2003 còn có thêm vòng bạc ở đầu ống. Có thể Canon sản xuất các ống này cho thị trường các camera store hay siêu thị điện máy…nơi giá cả quan trọng hơn chất lượng.
2. Ống kính zoom tầm trung:
Các ống trong nhóm này có chất lượng khung vỏ và quang học tốt hơn, thường sử dụng cơ cấu lấy nét USM dạng vòng với thước đo, một vài ống điển hình như EF 24-85mm f/3.5-4.5 USM, 28-135mm f/3.5-5.6 IS USM, EF-S 17-85mm f/4-5.6 IS USM. Chúng đều là các ống zoom chuẩn và cũng là các ống phổ thông khá “tử tế” với vỏ được vuốt thuôn, vòng zoom phủ cao su.
3. Ống kính 1 tiêu cự và zoom “xịn”
Những ống này đều có chất lượng quang học khá cao, không có thấu kính flourite để chống quang sai, đều sử dụng USM dạng vòng, ví dụ: 35mm f/2 IS USM hay 85mm f/1.8 USM.
Các ống EF-S 10-22mm f/3.5-4.5 USM, 15-85mm f/3.5-5.6 IS USM, 17-55mm f/2.8 IS USM cũng là các ống “xịn” vì chúng đều được có thiết kế tốt, chất lượng quang học cao, được đánh giá là “hidden L”.
4. Các ống kính đặc biệt:
Dành cho một số ít người với một số mục đích đặc biệt, như các ống MP-E, DO…
Ống kính dòng L (Luxury) – Đặc sản của Canon
Tương tự như hệ FD, hệ EF cũng có dòng L. Đây là dòng ống kính được thiết kế và sản xuất theo các tiêu chuẩn tốt nhất của Canon. Có thể nhận ra các ống dòng L dễ dàng với viền đỏ ở đầu ống.
Phần lớn các ống kính dòng L đều được chế tạo từ nhựa đen, bóng, nặng, bền hoặc từ kim loại sơn màu..cháo lòng, sử dụng cơ cấu lấy nét bằng mô-tơ USM dạng vòng với thước đo. Những ống kính sản xuất từ năm 1999 đều có các gioăng cao su tại các vị trí có khe hở để chống bụi, chống thời tiết kể cả các ống kính vỏ bằng nhựa đen. Chỉ có một số ít các ống kính L trước kia có vỏ chế tạo theo kiểu cũ, không tốt bằng dòng L sau này, nhưng chất lượng quang học không thua kém.
Hầu hết các ống kính L đều to và lấy nét khá nhanh, trang bị các thấu kính đắt tiền như flourite nên giá khá đắt. Gần đây Canon có cho ra lò một số ống kính L dễ mua hơn, khẩu độ lớn nhất f/4 nên nhỏ, nhẹ và rẻ hơn ống f/2.8 tương đương. Tất cả các ống kính L đều là loại EF, không có ống kính L ngàm dạng EF-S.
Bên cạnh các đặc điểm nêu trên, lens L còn 1 đặc điểm khác, có giá trị trong việc quyết định giá cả khi mua bán đặc biệt ở Việt nam là lens code, cho biết nơi sản xuất và thời gian được sản xuất ra. Canon đặt nhà máy tại 3 địa điểm: U là Utsunomiya, O là Oita, F là Fukushima.
Dưới đây là bảng số năm theo chữ cái:
A = 1960, 1986, 2012
B = 1961, 1987, 2013
C = 1962, 1988, 2014
D = 1963, 1989, 2015
E = 1964, 1990, 2016
F = 1965, 1991, 2017
G = 1966, 1992
H = 1967, 1993
I = 1968, 1994
J = 1969, 1995
K = 1970, 1996
L = 1971, 1997
M = 1972, 1998
N = 1973, 1999
O = 1974, 2000
P = 1975, 2001
Q = 1976, 2002
R = 1977, 2003
S = 1978, 2004
T = 1979, 2005
U = 1980, 2006
V = 1981, 2007
W = 1982, 2008
X = 1983, 2009
Y = 1984, 2010
Z = 1985, 2011
Ví dụ code của ống kính X nào đó là UA 1010, từ đó có thể suy luận ra:
U: tên nhà máy sản xuất, đặt tại Utsunomiya
A: năm, ở đây là năm 2012
10: tháng 10
10: số này dùng nội bộ của nhà máy.
Về cơ bản thì 3 nhà máy này sẽ không có sự khác biệt về chất lượng đầu ra của các ống kính.
Các ống kính thường gặp
Đây có thể gọi là những ống kính đã làm nên thương hiệu của Canon EOS ở thị trường Việt Nam. Hãy cùng điểm qua vài cái tên nhé.
* EF-S 18-55mm IS II/IS STM, 18-135mm IS/IS STM: đều là các ống kính kit đi kèm các máy dòng xxxxD, xxxD, xxD, giá phải chăng, chất lượng ảnh chấp nhận được. Nhất là chiếc 18-135 với dải zoom rất rộng, lấy nét cực nhanh.
* EF 50mm f/1.8 II/STM: Thuộc dạng ống kính bắt buộc phải có. Cả 2 ống đều cho chất lượng ảnh rất tốt mà giá thành lại “rẻ như cho”. Phiên bản 50mm STM có kết cấu chắc chắn hơn, ngàm kim loại thay vì ngàm nhựa, sử dụng mô-tơ bước STM nên lấy nét êm hơn và nhanh hơn.
* EF-S 17-85 IS USM: Khá phổ biến đối với những người dùng các “máy crop”, kết cấu khung vỏ khá hơn các ống kit 18-55mm, sử dụng mô-tơ siêu thanh dạng vòng, chất lượng quang học chấp nhận được.
* EF-S 55-250mm IS/IS II/IS STM: ống zoom tele giá “sinh viên”, cho góc nhìn tương đương 88-440mm trên máy dùng cảm biến full-frame.
* EF 50mm f/1.4 USM: đắt gấp đôi 50 STM, khẩu độ lớn hơn, cho chất lượng ảnh đẹp hơn và độ xóa phông ảo hơn, sử dụng micro USM.
* EF 28-135 IS USM và 24-85 USM: cả 2 đều là các ống hạng trung, dải tiêu cự linh hoạt, chất lượng quang học chấp nhận được. 28-135mm thường được đem lên bàn cân với 17-85mm do giá cả và chất lượng quang học tương đương nhau. 24-85 USM hiện tại ít bắt gặp.
* EF 35mm f/1.4L USM/L II USM: thuộc dòng L, chất lượng cao/rất cao, phổ biến với dân chụp chân dung, đời thường.
* EF 85mm f/1.8 USM: ống kính chuyên chân dung chất lượng tốt, khẩu độ lớn, dành cho ai không với được đến 85mm f/1.2L USM.
* EF 16-35 f/4L IS USM, 17-40 f/4L USM, 24-105mm f/4L IS USM, 70-200mm f/4L USM/L IS USM: thuộc dòng L, chất lượng tốt, với dải tiêu cự phủ rộng từ góc rất rộng cho đến tele. dành cho những ai không đủ tiền mua 16-35mm f/2.8, 24-70mm f/2.8, 70-200mm f/2.8. Đặc biệt với chiếc 70-200 thì có lẽ đó là hình ảnh biểu trưng cho Canon khi chỉ cần ra đường, thấy một chiếc ống dài và có màu trắng, 98% đó là ống kính của Canon (1% của Sony và 1% của Nikon)
* EF 16-35mm f/2.8L USM/L II USM/L III USM: thuộc dòng L, to, nặng, khẩu lớn, chất lượng cao, rất phổ biến với dân chụp đám cưới, sự kiện, kiến trúc.
* EF 24-70 f/2.8L USM/L II USM/f/4L IS USM: thuộc dòng L, to, nặng, khẩu lớn, chất lượng cao, rất phổ biến đối với dân chụp sự kiện, nhà báo, tay chơi có điều kiện, dân nghiệp dư có kinh nghiệm.
* EF 135mm f/2L USM: thuộc dòng L, chất lượng cao, khẩu lớn, chuyên chân dung, phổ biến với dân chụp ảnh cưới, kỷ yếu.
* EF 70-200mm f/2.8L USM/IS II USM: thuộc dòng L, to, nặng, khẩu lớn, chất lượng cao, phổ biến với dân chụp sự kiện, kỷ yếu, thể thao, tay chơi có điều kiện.
Tổng kết
30 năm đã qua, mặc dù có lúc khó khăn, nhưng với những nỗ lực không ngừng để nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, cho tới giờ Canon đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường máy ảnh, chiếm được sự tin tưởng của các nhiếp ảnh gia cũng như người tiêu dùng phổ thông. Cuộc cách mạng EOS đã chứng minh rằng quyết định “bỏ đi tất cả, ta làm lại từ đầu” ngày ấy là một quyết định chính xác.
Chúng ta hãy cùng chờ đợi xem trong các mốc kỷ kiệm 40, 50 năm…tới đây, Canon sẽ đạt được những thành công gì nữa nhé!