eSIM là gì?
Trước tiên, SIM là từ đại diện cho Subscriber Identity Module (tạm dịch: bộ phận nhận dạng thuê bao), có SIM thì thiết bị mới có thể kết nối với mạng di động.
Rồi từ đó, người dùng có thể liên lạc hoặc truy cập internet và ngược lại, nhà mạng sẽ biết được người dùng có đang sử dụng dịch vụ của họ không.
Được biết hiện tại, phần lớn chúng ta đang dùng những chiếc thẻ SIM làm bằng nhựa có gắn chip và dễ dàng tháo rời theo các chuẩn kích cỡ khác nhau (SIM thường, micro hay nano).
Còn eSIM lại là một loại khác, viết tắt của từ 'electric SIM', tức SIM điện tử. Loại SIM này được gắn liền lên phần bo mạch của thiết bị nên người dùng không thể tháo ra như loại SIM thông thường.
Bù lại, eSIM có thể lưu trữ và chứa nhiều thông tin thuê bao khác nhau để bạn dễ dàng chuyển đổi nhà mạng khi cần.
Tại sao Google trang bị eSIM cho Pixel 2 và Pixel 2 XL?
eSIM mới chỉ xuất hiện ở một số ít sản phẩm như đồng hồ thông minh Samsung Gear hay Apple Watch. Thế nên, với việc trang bị eSIM cho điện thoại Pixel mới, Google muốn đẩy nhanh tốc độ hướng đến tương lai, nơi mà trí tuệ nhân tạo lên ngôi.
Còn nhớ 2 năm trước, Google đã giới thiệu Project Fi, dự án mạng di động ảo với cách thức hoạt động hoàn toàn khác biệt khi dịch vụ được cung cấp đồng thời bởi 2 nhà mạng của Mỹ là T-Mobile và Sprint nhưng thiết bị sẽ tự động chọn mạng có tốc độ nhanh nhất.
Hoặc không nó sẽ tự chuyển sang Wi-Fi, điều đó giúp bạn có thể gọi điện, nhắn tin thông qua Wi-Fi mà không cần dùng các ứng dụng OTT.
Quay về hiện tại, người dùng Pixel 2 và Pixel 2 XL chỉ có thể kết nối eSIM với mạng Fi*. Vì thế, việc Goole tích hợp eSIM có lẽ không nằm ngoài mục tiêu phát triển Project Fi. Và bạn cũng đừng lo lắng bởi khe SIM nano thông thường vẫn hiện diện trên bộ đôi sản phẩm này.
*Fi là một loại mạng riêng ảo do Google cung cấp, nó không phụ thuộc vào kết nối di động mà dựa trên các mạng sẵn có của nhà mạng ở mỗi quốc gia (bao gồm Việt Nam) cũng như kết nối Wi-Fi xung quanh người dùng.
eSIM sẽ là xu thế mới trong tương lai?
Đó là một nhận định hoàn toàn có cơ sở, khi những lợi ích mà eSIM mang lại là quá rõ ràng:
- Kết nối đơn giản, chỉ cần dùng Wi-Fi, quên đi những cây chọc SIM dễ mất.
- Không phải lo lắng về chuẩn SIM nano hay micro mỗi lần đổi thiết bị.
- Sử dụng được cho tất cả các thiết bị và mạng di động, dễ dàng chuyển đổi nhà mạng khi cần.
- Thuận tiện hòa mạng tại địa phương khi đi nước ngoài.
- Nhỏ gọn, tiết kiệm không gian bên trong máy để bổ sung các tính năng khác hoặc tối ưu độ mỏng, tăng tính thẩm mỹ.
Kích thước eSIM nhỏ hơn rất nhiều các chuẩn sim cũTạm kết
Có thể mất thời gian để thích nghi nhưng tiến bộ công nghệ sẽ luôn giành phần thắng. Với nhiều ưu điểm vượt trội, viễn cảnh eSIM thay thế SIM là rất dễ nhận thấy. Những “ông lớn” của làng di động như Apple hay Samsung đều đã từng bày tỏ sự ủng hộ dành cho eSIM.
Hơn nữa, việc phát triển eSIM không chỉ tác động đến người dùng các thiết bị di động (smartphone, tablet, smartwatch,...) mà còn thúc đẩy tiến trình vận hành mạng 5G và tạo nên bước phát triển mới cho nhiều hệ thống thiết bị dân dụng, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên thế giới.
Bạn có quan điểm như thế nào về công nghệ eSIM của điện thoại Pixel 2 và Pixel 2 XL? Cùng chia sẻ ở phần bình luận bên dưới nhé.
* Bài viết có sử dụng hình ảnh từ Google, Ausdroid và The Guardian.
Biên tập bởi Tech Funny