Nghiên cứu chỉ ra các sinh viên sử dụng cần sa có tỷ lệ thi trượt cao hơn nhóm không sử dụng.
Sau khi theo dõi 4.000 sinh viên tại Đại học Maastricht (Hà Lan), các nhà khoa học đã phát hiện trung bình những người sử dụng một đến 2 điếu cần sa có tỷ lệ rớt môn cao hơn nhiều so với số còn lại.
Đại học Maastricht nằm tại vị trí giáp với các quốc gia bao gồm Bỉ, Pháp và Đức. Do Hà Lan là nước không cấm sử dụng cần sa, một số du khách đã qua biên giới và mua về sử dụng. Trước vấn nạn đó, chính quyền sở tại đã đặt lệnh cấm những người không phải là công dân Hà Lan mua hoặc sử dụng 'cỏ' từ các quán cà phê của thành phố.
Điều này dẫn đến việc chỉ các sinh viên quốc tịch Hà Lan mới có thể sử dụng cần sa để giải trí, số còn lại thì không. Nắm bắt cơ hội đó, hai nhà kinh tế học tới từ Học viện Nghiên cứu Hành vi và Bất bình đẳng tại Bonn và Đại học Erasmus Rotterdam đã quyết định theo dõi điểm số của các sinh viên trong trường.
Họ đã phát hiện trung bình những thanh niên không thể vào quán cà phê để hút cần sa có tỷ lệ vượt qua môn học cao hơn 5% so với số còn lại. Bên cạnh đó, các sinh viên nữ hay ít tuổi hơn cho thấy những lợi ích rõ rệt của việc không sử dụng chất kích thích.
Hình ảnh một quán cà phê ở Hà Lan, nơi khách có thể mua bán và sử dụng cần sa.
Các nhà nghiên cứu cho biết, cần sa gây ra tác hại nhiều hơn cho sinh viên khi học các môn liên quan tới các con số, kỹ năng tính toán. Chất có trong loại cây sẽ khiến cho người dùng giảm khả năng ghi nhớ và giải quyết vấn đề. Điều này mang tính tương quan đối với việc kết quả học tập kém đi của các sinh viên.
Một số ý kiến cho rằng cấm cần sa là có lợi nhưng thực tế có thể phức tạp hơn nếu nhìn xa hơn.
Đầu tiên phải xét đến rượu, loại chất kích thích thay thế phổ biến, dễ tiếp cận và gây nguy hiểm đến tính mạng lẫn tài chính của người dùng và xã hội. Tuy cần sa ở góc độ nào đó làm giảm khả năng học tập nhưng đồ uống có cồn có thể gây hậu quả lớn hơn rất nhiều.
Tiếp đến, việc cấm chất ma túy này đồng nghĩa thúc đẩy thị trường chợ đen phát triển, kéo theo đó là các yếu tố liên quan tới tội phạm. Lệnh cấm rõ ràng là không hiệu quả trong việc để ma túy tránh xa tầm tay các sinh viên. Điều cần thiết có lẽ là sự giáo dục cộng đồng về tác hại của ma túy trong môi trường học đường cũng như ngoài xã hội.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý