Tìm thấy khối u lạ bên trong gan ngay phía dưới lớp màng ngăn cách
Xác ướp thuộc về một cụ ông có tên Jing Lee, người đã qua đời vào năm 1642 ở tuổi 63. Lee sống trong triều đại Joseon, thời kỳ mà công nghệ ướp xác đã đạt được nhiều thành tựu, có thể bảo quản cơ thể một cách nguyên vẹn và chi tiết. Bằng cách nào mà những người thời đó làm được tới nay vẫn là bí ẩn.
Sau khi được sự chấp thuận của con cháu hậu duệ ông Lee, các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Y khoa Dankook đã đưa xác ướp có tuổi đời 375 năm vào máy chụp quét cắt lớp điện toán (CT scan) để quan sát bên trong cơ thể. Bên cạnh phát hiện nội tạng bị dồn sang một bên do trọng lực, họ cũng tìm thấy vật thể lạ bên trong gan ngay phía dưới lớp màng ngăn cách.
Xác ướp Hàn Quốc có tuổi đời 375 năm được tìm thấy tại lăng mộ trong Cheongdo (Hàn Quốc).
Nhóm các nhà khoa học sau đó đã lấy khối u bất thường để nghiên cứu sâu hơn và phát hiện bên trong có chứa số lượng lớn trứng sán lá gan. Trong tạp chí khoa học Journal of Parasitology, họ cho biết nhóm ký sinh trùng có tên Paragonimus Westermani. Những con ký sinh bám trên các loài giáp xác nước ngọt như tôm, tép, cua và đi vào bên trong cơ thể qua thành ruột, tới các khoang phúc mạc. Tiếp theo, những con sán sẽ chui qua các màng ngăn để vào phổi hoặc tiến tới lá gan như trường hợp của xác ướp Lee.
Nhiều khả năng Lee đã chịu những cơn nhồi máu gan trước khi qua đời, trở thành ca mắc bệnh ký sinh trên gan đầu tiên được biết đến. Bệnh này có triệu chứng sốt nhẹ, đau bụng và tiêu chảy.
Những quả trứng sán được phát hiện bên trong lá gan.
Điều trùng hợp ở đây đó là người đàn ông này có thể đã nhiễm bệnh do ăn các loài giáp xác dưới sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Trong thời đại Joseon, việc ăn tôm và cua sống được cho là phương thuốc chữa bệnh sởi. Mặc dù không có bằng chứng cho thấy ông Lee đã mắc bệnh sởi nhưng đây là lý do đầu tiên mà các nhà khoa học nghĩ đến.
Ngay cả sau 400 năm, vẫn còn rất nhiều người nhiễm sán là gan sau khi ăn tôm và cua sống. Hàng năm có tới hơn 22 triệu người mắc bệnh trên khắp thế giới, các trường hợp được ghi nhận chủ yếu tới từ các nước Đông Nam Á.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý