Nhóm nghiên cứu, bao gồm các chuyên gia tới từ Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) đã tìm thấy bức tượng cao 1,9m, rộng 0,6m hôm 30/7. Giám sát dự án là cơ quan Chính phủ Campuchia, Apsara Authority.
Nhóm cho biết khu khảo cổ có niên đại khoảng 8 đến 9 thế kỷ trước và cổ vật vừa tìm thấy là một trong những bức tượng lớn nhất tới từ thời kỳ đó.
Angkor Wat không chỉ được biết đến như ngôi đền, đó còn là nơi chữa bệnh cổ đại hay theo ngôn ngữ hiện đại, một bệnh viện. Đây là một trong nhiều bệnh viện do vua Jayavarman VII xây dựng, bao gồm 4 hồ đại diện cho 4 yếu tố đó là đất, lửa, nước, gió. Bằng cách đi lần lượt qua các hồ, bệnh nhân có thể cân bằng cách yếu tố đó.
Cơ quan Apsara cho biết, tác phẩm khổng lồ được tìm thấy một cách tình cờ bởi nhóm phụ trách khi tìm hiểu mối liên hệ giữa con kênh dẫn nước và khu chữa trị cổ đại.
Pho tượng bị thiếu 2 chân với chân phải kết thúc ở phần đầu gối trong khi chân trái kết thúc kéo dài tới phần bắp chân. Cả 2 tay cũng bị mất ngay dưới phần vai.
Tác phẩm bị chôn vùi cách mặt đất 40 cm và dự kiến sẽ được trưng bày trong bảo tàng nằm ở phía tây bắc tỉnh Siem Reap, nơi có đền Angkor. Cơ quan đại diện tin rằng bức tượng được tạo ra từ thế kỷ XII hoặc XIII, là biểu tượng vệ thần tại lối vào của bệnh viện cổ dưới thời vua Jayavarman VII.
Hồi cuối năm 2011, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện 2 pho tượng phật lớn nhất trong khu đền trong suốt 8 thập kỷ.
Angkor từng là thủ đô của đế chế Khmer, hưng thịnh nhất từ thế kỷ IX đến XV. Rất nhiều cổ vật mang giá trị khảo cổ và tâm linh đã bị lấy cắp sau đó bán ra nước ngoài. Trong khi số còn lại được chôn sâu xuống lòng đất trong những năm 1970 khi xảy ra cuộc nội chiến.
Sử dụng công nghệ lập bản đồ địa hình bằng laser (LiDAR) và radar xuyên lòng đất, các nhà nghiên cứu có thể định vị được vị trí của 8 tòa tháp chôn bên dưới khu Angkor Wat (biểu thị màu vàng trên hình)
Vài năm trở lại đây, nhờ công nghệ tiên tiến, những nhà nghiên cứu có thể phát hiện ra nhiều cổ vật bị chôn vùi dưới lòng đất, tái hiện cấu trúc các tòa tháp cũng như theo dõi sự xuống cấp phục vụ công tác bảo tồn cho đền Angkor Wat.
Hoàng Phương
Theo Đời sống & Pháp lý