Như đã thông tin, ngày 28/8/2017, VNPT chính thức có thông báo về sự cố xảy ra với các tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway (AAG), Liên Á (IA) và SMW3.
Theo VNPT, chiều ngày 27/8 đã xảy ra sự cố mất liên lạc trên 3 tuyến cáp quang biển quốc tế mà VNPT đang khai thác là AAG, Liên Á và SMW3. Hiện VNPT đang tích cực phối hợp với các đối tác quốc tế để xác minh nguyên nhân sự cố và có kế hoạch cụ thể về việc xử lý lỗi, khắc phục sự cố sớm nhất có thể.
Trong trao đổi với ICTnews ngày 28/8, ông Vũ Thế Bình - Tổng giám đốc NetNam, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đưa ra phỏng đoán nguyên nhân của sự cố xảy ra với các tuyến cáp quang biển quốc tế lần này có thể do ảnh hưởng từ cơn bão mới đây ở gần khu vực HongKong, tuy nhiên ông Bình cũng cho biết chưa có thông tin khẳng định về việc này.
Trong bối cảnh AAG - tuyến cáp đóng vai trò quan trọng trong kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế những năm qua, lại thường xuyên gặp sự cố, thời gian qua, các nhà mạng đã lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào tuyến cáp này.
Trên thực tế, từ cuối năm 2016, tuyến cáp quang biển APG đã được đưa vào vận hành, khai thác. Mới đây, VNPT và Viettel cũng cho biết trong khoảng tháng 7/2017, các đơn vị này mở kênh khai thác chính thức trên tuyến cáp biển quốc tế Asia Africa Europe 1 (AAE-1). Đây là hệ thống cáp biển kết nối các khu vực châu Á, Trung Đông, châu Phi, châu Âu, đi qua 19 quốc gia với tổng giá trị dự án khoảng 820 triệu USD.
Theo ông Vũ Thế Bình, thống kê của Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho hay, đến tháng 6/2017 tổng dung lượng Internet quốc tế của Việt Nam là gần 4.700 Gbps, trong khi con số này tại thời điểm tháng 6/2016 là 2.330 Gbps.
“Tổng dung lượng quốc tế của Việt Nam đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó việc đưa vào sử dụng, khai thác các tuyến cáp mới như APG có vai trò rất quan trọng. Nếu không có sự bổ sung này thì chắc chắn thời điểm hiện tại – khi các tuyến cáp biển AAG, Liên Á và SMW3 cùng gặp sự cố, Internet Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Bình nhấn mạnh.
Đánh giá về mức độ ảnh hưởng đối với các ISP cũng như người dùng dịch vụ Internet tại Việt Nam, đại diện VIA nhận định, thời gian qua nhiều sự cố cáp biển đã xảy ra, các nhà mạng chắc chắn đã đã quen với việc ứng phó và chuẩn bị các phương án dự phòng. Theo ông Bình, ảnh hưởng của sự cố xảy ra với các tuyến cáp biển AAG, Liên Á và SMW3 ngày 27/8 sẽ không nhiều và cuối tuần qua các nhà mạng đều đã ứng phó để đảm bảo dịch vụ.
“Tuy nhiên, chắc chắn vẫn có một số nhóm khách hàng bị ảnh hưởng. Và việc nhóm khách hàng nào bị ảnh hưởng thì còn tùy vào ưu tiên của từng nhà mạng viễn thông, ISP. Thường thì nhóm doanh nghiệp, tổ chức được ưu tiên hơn cả, sau đó đến các nhóm như 3G/4G, tiếp đó đến nhóm khách hàng băng rộng cố định”, ông Bình nói.
Phân tích thêm về tình huống 3 tuyến cáp biển AAG, Liên Á và SMW3 đang cùng gặp sự cố, Tổng thư ký VIA Vũ Thế Bình nhận định, hiện tại lưu lượng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế đi chủ yếu qua hướng đất liền và hệ thống cáp biển APG. “Chúng tôi cho rằng các ISP sẽ bù lại đủ dung lượng trong một vài ngày tới, tuỳ thuộc vào chiến lược và cách vận hành của từng ISP, vì ứng cứu ngắn hạn thì đương nhiên tốn thêm chi phí”, ông Bình chia sẻ.
Ngoài ra, vị Tổng thư ký VIA cũng cho biết, hiện phần lớn lưu lượng Internet Việt Nam đi qua cửa ngõ HongKong - hub của khu vực. Các nhà mạng viễn thông và ISP cũng đang có sự dịch chuyển bớt lưu lượng qua các hướng khác, trong đó có Singapore, để kiểm soát rủi ro và kiểm soát chất lượng dịch vụ trên thực tế là các sự cố cáp biển rất hay xẩy ra và mất nhiều thời gian để phục hồi.
Riêng với NetNam, người đứng đầu doanh nghiệp này cho biết, hiện NetNam chỉ bố trí lưu lượng đi qua hướng cáp quang biển Liên Á và cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Gateway - APG), do vậy việc 2 tuyến cáp AAG và SMW3 mất lưu lượng không ảnh hưởng trực tiếp đến NetNam. Ngay khi lưu lượng không đi được qua hướng cáp Liên Á tới HongKong, hệ thống của NetNam đã tự động chuyển hướng đi qua tuyến cáp APG.
Cũng theo đại diện NetNam, hồi tháng 5/2017, nhà mạng này đã mở thêm 5Gbps, do đó tổng dung lượng khả dụng của NetNam hiện đảm bảo với sự tăng đột biến nhu cầu của khách hàng. Còn đối với lưu lượng qua cáp Liên Á, NetNam đã có dự phòng qua APG.
Do vậy, về cơ bản các khách hàng NetNam không bị ảnh hưởng xấu của các sự cố cáp biển lần này. Tuy nhiên, một số khách hàng và một số hướng có thể bị ảnh hưởng gián tiếp. Hiện NetNam đã tăng cường giám sát hệ thống và trao đổi với khách hàng để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Theo: ICTNews
Biên tập bởi Nguyễn Hà Nam