Điện thoại với camera kép đang ngày một phổ biến, nhưng nhiều khả năng các nhà sản xuất không dừng lại ở con số 2.
2 camera đang nhanh chóng trở thành trang bị tiêu chuẩn trên smartphone. Mùa thu năm ngoái, Apple ra mắt iPhone 7 Plus với thiết kế 2 camera. Những nhà sản xuất khác như LG, Huawei, Asus, ZTE đều tung smartphone với camera kép. Nó khiến nhiều người tự hỏi, liệu các nhà sản xuất có dừng lại ở 2 camera?
2 camera là đủ?
Khi những chiếc di động 2 camera lần đầu ra mắt, nhiều người lập tức bày tỏ nghi vấn: Liệu nó là một tính năng hữu ích hay đơn giản chỉ là chiêu trò marketing.
LG G6 (trước) và iPhone 7 Plus (sau) dùng camera kép theo những cách khác nhau. Ảnh: Cnet.
Thực tế, camera kép trên smartphone giúp giải quyết một vấn đề lớn. Khi smartphone ngày càng nhỏ và mỏng hơn, nhà sản xuất không tìm ra không gian để đưa vào đó những cụm camera lớn giúp tăng chất lượng ảnh chụp. Việc kết hợp 2 camera nhỏ cùng một vài thủ thuật phần mềm là lựa chọn thông minh để thay thế.
Mỗi nhà sản xuất kết hợp 2 camera theo cách khác nhau. iPhone 7 Plus dùng 2 camera sau để hỗ trợ zoom quang học, không làm mất chất lượng hình ảnh. Nó cũng có thể tạo ra bokeh với tính năng có tên Portrait mode.
LG G6 sử dụng 2 camera với một góc tiêu chuẩn, một góc rộng. Huawei P9 và P10 dùng một camera đen trắng để chụp chi tiết, ánh sáng và màu do một camera khác thu thập.
3, 4 camera mang đến những gì?
Trước đây, hẳn người ta chưa từng nghĩ đến việc một chiếc smartphone sẽ có đến 2 camera sau, cũng giống như việc hiện tại người ta chưa tưởng tượng ra smartphone dùng 3 camera một lúc vào việc gì. Tuy nhiên, có lẽ người dùng nên chuẩn bị tâm lý dần.
Có thể Galaxy S9 sẽ có 3 camera hay iPhone 11 sở hữu đến 4 camera. Nếu 2 camera mang đến chất lượng hình ảnh tốt hơn thì 4 camera sẽ mang đến những gì?
Chẳng hạn, iPhone 7 Plus sở hữu 2 camera: Một dùng ống kính tương đương 28 mm, ống kính còn lại 56 mm. Nếu nó có 4 camera, các tùy chọn có thể là 24 mm, 28 mm, 56 mm và 70 mm. Kết quả là chiếc điện thoại này có thể cho ra chất lượng hình ảnh tương đương với một máy ảnh chuyên nghiệp đi kèm ống kính 24-70 mm – một trong những mẫu ống kính phổ biến nhất thế giới.
Người dùng có thể zoom sát hơn nữa để lấy những bức ảnh chân dung hoặc zoom xa để lấy góc rộng, tất cả đều không làm mất chất lượng hình ảnh.
Thiết bị chụp hình với 16 camera của Light. Ảnh: Cnet.
Ý tưởng này hoàn toàn khả thi. Công ty có tên Light từng cho ra mắt thiết bị có kích thước tương đương smartphone tên gọi L16. Thiết bị này sở hữu đến 16 camera độ phân giải 13 megapixel. Nó không được gọi là điện thoại dù chạy hệ điều hành Android. 16 cụm camera này bao gồm 5 camera ống kính 28 mm, 5 chiếc ống kính 70 mm và 6 chiếc ống kính 150 mm.
Với bất cứ bức ảnh nào chụp ra, nó sử dụng liên tiếp 10 camera trong số đó. Ảnh từ 10 camera này sẽ được ghép với nhau bằng phần mềm để tạo ra một bức ảnh chi tiết, độ phân giải cao với kích thước lên đến 52 megapixel.
Tất nhiên, những chiếc smartphone với 16 camera có vẻ là điều không tưởng. Tuy nhiên, cách làm của Light có thể là một gợi ý cho nhà sản xuất di động để tạo ra những chiếc di động chụp ảnh siêu chất lượng, bằng cách ghép nhiều camera nhỏ.
Tương lai xấu cho máy ảnh DSLR
Smartphone 2 camera đã bắt đầu phổ biến. Theo thời gian, 2 camera sẽ biến thành 3,4 camera, thậm chí hơn. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào những con chip có đủ mạnh để xử lý việc ghép nối đó không, cũng như thuật toán nhà sản xuất tạo ra để mang đến trải nghiệm ổn định nhất cho người dùng.
Ảnh chụp từ smartphone hiện đã có thể thay thế máy ảnh compact, tiệm cận các dòng DSLR phổ thông. Những chiếc di động với 3,4 camera trong tương lai hoàn toàn có thể đặt dấu chấm hết cho máy ảnh DSLR.
Theo Zing.vn