Sở hữu kiểu dáng hoài cổ nhưng có khả năng kết nối và điều khiển smartphone thông qua bluetooth, Philips E170 trở thành giải pháp liên lạc mỗi khi chiếc máy chính bị yếu pin.
Về cơ bản Philips E170 là mẫu điện thoại phổ thông. Thiết bị có kiểu dáng 'cục gạch' nhỏ gọn, chắc chắn dù sử dụng vỏ nhựa. Mặt trước Philips E170 có màn hình TFT QVGA 2,4 inch phía trên, bàn phím vật lý T9 cổ điển quen thuộc ở dưới, cạnh phải có bộ phím âm lượng, cạnh dưới có cổng cắm tai nghe 3,5mm và cổng microUSB. Phía sau máy là cụm camera 0,3MP tích hợp đèn flash led và loa ngoài được đặt ngay bên cạnh. Mặt lưng E170 có thể tháo rời để lắp sim (hỗ trợ 2 sim), lắp thẻ nhớ và thay pin. Máy được trang bị viên pin 2.070mAh, tuy không phải là quá khủng nhưng vẫn cao hơn cả dung lượng của iPhone 6s 'thần thánh' (1715mAh). Được 'tối giản hóa' tính năng (chủ yếu nghe gọi, nhắn tin) và chỉ có màn hình 2,4 inch, Philips E170 cho thời gian chờ lên đến 2 tháng.
Ngoài ưu điểm mang lại cho người dùng cảm giác 'yên chí lớn' về dung lượng pin, Philips E170 có gì đặc biệt khi mà công nghệ thời nay là 'chạm và vuốt'?
Đúng như slogan ngoài vỏ hộp 'Companion for love', Philips có khả năng 'kết thân' với các smartphone xung quanh, thông qua bluetooth để trở thành một máy phụ đúng nghĩa. Khi đã kết nối, mọi cuộc gọi hay tin nhắn đến chiếc smartphone sẽ hiển thị đồng thời trên Philips E170, như vậy cục gạch này không cần lắp sim mà vẫn có thể nghe gọi, nhắn tin. Với tính năng này, người dùng có thể để chiếc smartphone chính xa khỏi tầm tay (ba lô, túi xách...) mà không lo bỏ lỡ những cuộc gọi, tin nhắn quan trọng. Để gọi điện, nhắn tin từ smartphone thông qua Philips E170, trên chiếc máy phụ này người dùng chỉ cần lựa chọn Call BT (hay Send by BT), khá đơn giản. Dù vậy phải lưu ý khi kết nối 2 máy với nhau Philips E170 sẽ 'chiếm quyền' trở thành thiết bị nghe gọi chính (giống như tai nghe bluetooth), rất dễ bị lỡ cuộc gọi đến do cầm nhầm smartphone mà quên mất là mình đã 'giao việc' đó cho Philips E170.
Cách thức để phát nhạc hay chụp hình trên smartphone từ Philips E170 cũng tương tự. Dù vậy, chất lượng loa ngoài của cục gạch không hay, nên sử dụng thêm một cặp tai nghe. Trong khi đó, ảnh chụp trên smartphone sử dụng giải pháp chụp lại màn hình chứ không phải là camera thật nên chất lượng ảnh cũng không tốt, cỡ ảnh chỉ bằng đúng độ phân giải màn hình. Mà khi chụp ảnh qua Philips E170 cũng không thực sự thoải mái bởi màn hình của nó quá nhỏ. Và để sử dụng được tính năng này, người dùng sẽ phải cài thêm ứng dụng BT Notification (hiện chưa có trên Google Play).
Ngoài ra, Philips E170 còn được trang bị khả năng chống trộm hay mất kết nối. Khi bật tính năng này lên nếu E170 rời khỏi smartphone quá xa nó sẽ phát báo động. Tuy nhiên, tương tự như khả năng chụp ảnh từ xa, đây chỉ là những tính năng làm phong phú thú vị hơn, còn vai trò chính của Philips E170 vẫn là giúp người dùng duy trì nghe gọi, nhắn tin khi smartphone yếu pin.
Về thời lượng sử dụng, Philips E170 có khả năng trụ được cả tuần nếu người dùng chỉ kết nối khi cần (cứu trợ) chủ yếu là nghe, gọi và nhắn tin. Philips E170 có vai trò như viên pin hay chiếc điện thoại dự phòng, thay vì sạc điện cho smartphone, thiết bị sẽ kết nối trực tiếp tiện lợi hơn. Dù vậy, chính việc bật kết nối bluetooth cũng sẽ khiến smartphone nhanh xuống pin hơn. Giải pháp là chỉ bật bluetooth và kết nối với Philips E170 khi pin smartphone còn dưới 30% đồng thời kích hoạt chế độ tiết kiệm pin trên máy chính.
Dù Philips E170 không sở hữu công nghệ đặc biệt nào, thậm chí còn hơi đơn giản, nhưng với giá bán chỉ 890 nghìn đồng, người dùng đã có một trợ lý cho smartphone vừa giúp duy trì nghe gọi, nhắn tin khi cần.
Gia Phong