Việc kinh doanh đồng hồ thông minh sa sút không phanh, theo số liệu do IDC cung cấp, chỉ trong quý 3 năm nay, 51% là mức giảm 'chóng mặt' giành cho thị trường smartwatch.
Ngay cả Apple cũng không tránh khỏi 'cơn bão' này, khi lần thứ hai liên tiếp trong năm họ phải báo lỗ trong mảng smartwatch, mặc dù số lượng Apple Watch bán ra khá ổn định.
Motorola với dòng Moto Watch cũng chẳng mấy khá khẩm hơn và hiện đã tuyên bố tạm ngưng ra smartwatch mới. Pebble, một startup nổi bật lấy việc kinh doanh thiết bị đeo thông minh làm nền tảng cũng đã bị Fitbit thâu tóm.
'Bức tranh' ảm đạm đến khó tin dành cho smartwatch đã khiến nhiều người thắc mắc: Điều gì đang xảy ra với chúng vậy? Người dùng thờ ơ với smartwatch đến thế sao?
Trang AndroidHeadlines đã có câu trả lời cho vấn đề trên. Theo họ, người dùng hiện nay chẳng mấy mặn mà với smartwatch chính vì chúng chẳng đủ sức gây ấn tượng với họ nữa.
Không thể gây ấn tượng chính vì bao năm qua, những chiếc smartwatch chẳng có mấy sự thay đổi về mặt tính năng lẫn sự hữu ích. Từ thiết bị đeo cho đến đồng hồ, tất cả đều chỉ gói gọn trong những tính năng đã quá 'quen mặt' như theo dõi giấc ngủ, theo dõi hoạt động thể thao, cùng lắm là thêm được những tính năng như trả lời cuộc gọi, trả lời nhanh tin nhắn ngay trên chúng mà thôi.
Cấu hình của chúng thì cũng chỉ được nâng cấp lên chút ít, và thêm được cảm biến đo nhịp tim là tất cả những gì mà những nhà sản xuất smartwatch làm được trong 2 năm qua. Chỉ có vậy thì làm sao để gây ấn tượng với chúng ta được?
Việc nhiều hãng smartwatch chỉ tập trung vào việc theo dõi sức khoẻ của người dùng, từ chiếc đồng hồ rẻ tiền cho đến smartwatch cao cấp cũng chỉ có như thế. Và khi chúng động viên người dùng trong việc tập luyện cũng chẳng mấy ấn tượng.
Thay vì dùng một trợ lý ảo để đưa ra thông báo như một người bạn, những chiếc smartwatch chỉ hiện lên một dòng tin nhắn 'không cảm xúc' để 'chúc mừng' người dùng đạt được cột mốc luyện tập trong ngày.
Thêm một lí do nữa để người dùng quay lưng với smartwatch chính là thời lượng pin của chúng. Ngoại trừ những chiếc smartwatch dùng màn hình e-paper chỉ với 2 màu đen trắng để 'ăn gian' thời lượng pin. Các thiết bị đeo và đồng hồ thông minh dùng màn hình màu thường chỉ trụ được từ 2 đến 4 ngày. Một con số quá ít ỏi so với mong đợi của người dùng.
Việc sạc smartphone, laptop, tablet, sạc dự phòng,... đã đủ làm chúng ta cảm thấy phiền phức, thế nên phải sạc thêm một chiếc đồng hồ trong khi chúng ít ra phải có thời lượng pin lên tới 1 tuần đã khiến nhiều người quay lưng.
Lí do cuối cùng đã dẫn đến sự thất bại của smartwatch chính là việc chúng ráng cáng đáng luôn cả nhiệm vụ của smartphone. Bạn có thể nào trả lời tin nhắn hay xem thông tin trên một màn hình bé tí với bán kính vào khoảng 1.5 tới 2 cm hay không? Người bạn hẹn hò cùng chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào nếu chúng ta cứ mải nhìn vào cổ tay (có đeo smartwatch) và tự mỉm cười vì những thông tin nó mang đến?
Tóm lại, mang danh nghĩa là đồng hồ thông minh, nhưng chúng chẳng 'thông minh' lên là bao sau nhiều năm. Những thứ cần phải có như thay ra lệnh cho chúng qua giọng nói thì chẳng thấy đâu. Thời lượng pin thì èo uột, thiết kế cứ mãi rập khuôn đã dần đưa smartwatch vào 'kho đồ cũ'.
Và làm thế nào để chúng có thể quay trở lại trong tâm trí của người dùng, đó sẽ là bài toán mà những ông lớn như Samsung, Apple hay Motorola phải giải đáp càng nhanh càng tốt, không thì cái ngày chúng ta thực sự tạm biệt smartwatch sẽ không còn xa nữa.
- Nhìn lại thị trường smartwatch sau một năm: Khó khăn chồng chất
- Đã đến lúc nói lời tạm biệt với thiết bị đeo thông minh?
- Nhìn lại những chiếc smartwatch Android đáng mua nhất năm 2016
Biên tập bởi Minh Dương