Theo số liệu từ Bloomberg, doanh số nửa đầu 2016 của HTC trên toàn cầu đã giảm 85% trong 5 năm qua. Từ đỉnh cao 240 triệu thiết bị vào năm 2011, HTC chỉ bán được chưa đến 40 triệu smartphone trong 6 tháng đầu 2016.
Đó là một thực tế mà ngay cả Cher Wang, người kế vị Peter Chou, cũng không thể nào cưỡng lại.
Từ vị thế của một ông lớn, sở hữu những flagship giá cao ngất ngưởng đối đầu trực diện với Apple, Samsung và nhiều model tầm trung ăn khách, HTC rơi dần vào 'hố sâu của sự hoang hoải'. Hãng thậm chí không lọt nổi vào top 5 về thị phần tại nhiều thị trường trọng điểm.
Không còn gì để mất đâu
Theo thống kê của IDC, trong 4 năm qua, doanh số điện thoại của HTC lại giảm khoảng 18% từng năm. Nói một cách công bằng, HTC vẫn ra những sản phẩm rất tốt, chẳng hạn như mẫu HTC 10 - vốn được đánh giá là một kiệt tác Android.
Doanh số HTC lao dốc trong 5 năm qua.
Thế nhưng, những chuyện không mong muốn vẫn đến với hãng công nghệ Đài Loan. Ngoài Apple và Samsung, cuộc chiến smartphone đang dần chuyển trục về Trung Quốc khi có quá nhiều thương hiệu mới nổi và nhanh nhạy như Oppo, Vivo, Xiaomi đánh chiếm phân khúc giá rẻ và tầm trung. Cùng số phận với Sony, LG, cơ hội dành cho HTC đang thu hẹp dần qua năm tháng.
Trong bối cảnh doanh số đang 'về mo', HTC đang rất cần một sự thay đổi. Chính sách 'thắt lưng buộc bụng' của Cher Wang hiện chỉ đang giúp HTC cầm cự, nhưng không thể sớm thoát cảnh sống mòn. Hãng cần làm một điều gì đó điên rồ và đột phá hơn, thậm chí là sẵn sàng gác bỏ hình ảnh 'điện thoại sang chảnh' trong tâm trí người dùng nhằm chạm đến những đối tượng khách hàng mới.
Nokia là một lối thoát
Câu tục ngữ 'lá lành đùm lá rách' dường như không đúng với trường hợp của Nokia và HTC lúc này. HTC vẫn là một thương hiệu mạnh và chưa đến nỗi 'rách nát', và Nokia (hiện đang do HMD Global nắm giữ thương quyền) giống như một đứa trẻ vừa được tái sinh, nhưng đã 'nổi tiếng' sẵn từ lúc còn phôi thai. Vậy tại sao Nokia có thể là cứu tinh cho HTC vào lúc này?
Chủ tịch hiện tại của HMD Global là Florian Seiche, 'người cũ' của HTC. Từ vị trí cấp dưới của bà Cher Wang, Florian Seiche hiện nắm trong tay cơ hội vực dậy thương hiệu điện thoại Nokia, với một hướng đi mới mẻ: tập trung vào những đất nước còn nghèo túng, nơi còn nhiều người dùng featurephone (điện thoại cơ bản) và đang có nhu cầu sở hữu smartphone đầu tiên.
Tất nhiên, không ít người trong số đó vẫn còn hồi ức và nhớ nhung Nokia da diết.
Theo IDC, 540 triệu người trên toàn cầu đã mua điện thoại 'cục gạch' trong năm 2015. Và đa phần trong số đó sẽ dùng smartphone trong tương lai. Đây là cả một 'đại dương xanh' đang chờ các hãng điện thoại khai thác, thay vì tiếp tục cố chấp làm điện thoại cao cấp như cách HTC đang làm.
Doanh số điện thoại cơ bản đang giảm dần, đồng nghĩa số người lần đầu mua smartphone đang tăng lên.
Nói theo cách của Tim Culpan, cây viết của tờ Bloomberg, Cher Wang nên nhấc máy và gọi cho Florian Seiche để 'se duyên' cho HTC và Nokia.
Điều này không có nghĩa HTC sẽ làm điện thoại giá rẻ. Hãng điện thoại Đài Loan vốn nổi tiếng với khả năng làm smartphone cao cấp, và họ nên giữ như vậy. HTC sẽ cùng Nokia khai phá những thị trường xa xôi như các quốc gia châu Phi, nơi mà những người dùng smartphone rẻ tiền rồi sẽ giàu lên và sẵn sàng mua những chiếc smartphone cao cấp hơn đến từ HTC.
Dù giữa thương hiệu điện thoại và các nhà mạng đã có nhiều cuộc hôn phối, kịch bản hai hãng điện thoại 'cùng nắm tay nhau' chưa bao giờ xảy ra. HTC chẳng còn gì để mất, và nếu cứ tiếp tục chọn phương án 'toả sáng thầm lặng', ngày tàn của công ty này chỉ còn đếm bằng thời gian.
Theo Zing.vn