Bộ nhớ RAM hoạt động như thế nào trên Android
Trước tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu xem bộ nhớ RAM hoạt động như thế nào trên hệ điều hành Android. Android được xây dựng dựa trên nhân kernel của Linux khiến hệ điều hành này hoạt động theo một bộ quy tắc khác so với bộ quy tắc trên các máy tính Windows, nhưng về bộ nhớ RAM, có một “nguyên lý” chung như sau: “lượng RAM trống chính là lượng RAM bị lãng phí”.
Chính vì vậy, trên Android bạn KHÔNG cần phải “giải phóng” lượng RAM để các ứng dụng khác có thể khởi chạy – quá trình này được thực hiện hoàn toàn tự động. RAM là một thứ gì đó mà bạn không cần phải để tâm tới trên hầu hết các thiết bị dựa trên nền Linux. Nhưng nếu một hệ thống không có đủ dung lượng RAM thì đó sẽ là một vấn đề. Những ứng dụng đang chạy ngầm sẽ tự động bị tắt và khi bạn muốn sử dụng ứng dụng đó thì nó phải load lại từ đầu.
Bị load lại ứng dụng sẽ là vấn đề phải gặp thường xuyên trên những chiếc smartphone có ít RAM.
Vấn đề này trở nên rất “nổi bật” trên các thiết bị Android khi Lollipop (5.x) được phát hành, vì phiên bản này “ăn RAM” nhiều hơn hơn rất nhiều so vơi các phiên bản trước đây. Lúc này, hầu hết smartphone đều đang có dung lượng RAM giới hạn ở mức 2GB và việc cài Android 5 lên máy sẽ trở thành vấn đề. Ví dụ: bạn đang sử dụng ứng dụng bản đồ và chạy nền một ứng dụng nghe nhạc và thường sau đó hệ điều hành sẽ tự động tắt ứng dụng nghe nhạc đi (cơ chế giải phóng RAM tự động của nhân kernel Linux) và ngược lại nếu bạn mở ứng dụng nghe nhạc và chạy nền ứng dụng bản đồ thì sau đó ứng dụng bản đồ sẽ bị tắt. Và giải pháp trước mắt sẽ là phải tăng dung lượng RAM trên máy.
RAM “quá lớn” không phải là điều xấu, chỉ là chúng ta không cần đến mà thôi
Hiện tại, hầu hết các laptop tiêu chuẩn đều được trang bị 8GB RAM hoặc với các laptop giá rẻ là 4GB và thậm chí vẫn có 2GB RAM. Bạn sẽ tự hỏi, tại sao một chiếc smartphone phải gần tới 10GB RAM? Trả lời nhanh gọn là: “không cần đâu!”
Việc trang bị RAM quá lớn trên một chiếc smartphone âu cũng chỉ là bước đi để dành “ngôi vị đầu tiên” mà thôi, báo chí sẽ lên bài với những dòng tiêu đề: “…là chiếc smartphone có RAM 10GB đầu tiên”, “…có RAM lớn nhất thế giới”…vv chẳng hạn. Đó đồng thời là cách để nhà sản xuất smartphone Android nổi bật giữa một thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Nhưng 10GB RAM, bạn có bao giờ dùng hết trên một chiếc smartphone? Chắc bây giờ sẽ chưa cần tới đâu. Anh em nên nhớ rằng, RAM càng lớn thì sẽ tiêu tốn càng nhiều năng lượng hơn (vì chip nhớ sẽ nhiều hoặc lớn hơn), nếu viên pin không được nâng cấp cùng thì thời gian sử dụng máy sẽ có thể bị giảm xuống.
Nhưng thực tế một số máy sẽ cần nhiều RAM hơn. Trường hợp của chiếc Pixel so với một chiếc Galaxy sẽ là ví dụ điển hình nhất. Samsung có xu hướng trang bị lên chiếc máy của mình nhiều ứng dụng và tiện ích hơn (đôi lúc sẽ bao gồm những ứng dụng “thừa”). Điều này sẽ khiến hệ điều hành nặng hơn và cần nhiều RAM hơn để có thể hoạt động ở mức độ cao. Nhưng ngược lại, một chiếc Pixel sẽ chạy Android gốc, với những ứng dụng cơ bản và cần thiết nhất từ Google. Và tất nhiên, Pixel sẽ không cần quá nhiều RAM so với một chiếc Galaxy mà vẫn có thể mang lại trải nghiệm mượt mà nhưng chắc chắn rồi, Pixel sẽ không có được những ứng dụng, tiện ích cho người dùng và các phụ kiện đi kèm máy (như bút S Pen chẳng hạn).
Samsung trang bị dung lượng RAM lớn trên những chiếc Galaxy để đảm bảo hệ thống sẽ hoạt động mượt mà với các ứng dụng, tiện ích bổ sung.
Bây giờ, chúng ta đã có lý do tại sao dung lượng RAM trên smartphone lại có thể lớn như vậy. Nhưng 10GB RAM? Không! Sẽ còn nhiều hơn nữa. Hầu hết smartphone hiện nay đều được trang bị RAM 4GB và chúng ta đang dần dần chuyển lên tiêu chuẩn 6GB RAM khi những nhà sản xuất như Samsung và OnePlus đã trang bị RAM 6GB và 8GB lên những chiếc flagship của mình, và dự đoán rằng con số này sẽ tiếp tục còn tăng lên nữa trong những năm tới.
Anh em nghĩ RAM bao nhiêu là đủ cho một chiếc smartphone dùng học tập, giải trí hằng ngày? Anh em muốn nhiều RAM hơn cho “thoải mái” hay chỉ vừa dùng là được. Hãy chia sẻ ý kiến bên dưới nhé!
@hieucocc | TECHRUM | HowToGeek