Lâu nay, smartphone LG ở Việt Nam bán qua kênh hàng xách tay do rớt giá nhanh nên smartphone LG lọt vào phân khúc “giá rẻ, cấu hình khủng” và được một số người dùng ưa thích tìm mua. Còn ở mảng bán lẻ chính hãng, các smartphone LG ở các hệ thống bán lẻ lớn như Mai Nguyên, Thế Giới Di Động, … hiện đã không còn bóng dáng bất kỳ chiếc smartphone LG nào.
Trả lời phóng viên VnReview.vn qua điện thoại, một đại diện của LG Electronics Việt Nam cho biết hiện chưa có thông báo chính thức về việc này tuy nhiên xác nhận sẽ có thay đổi lớn về nhân sự mảng di động trong thời gian tới.
Trong khi đó, ở dưới góc độ nhà phân phối, một số kênh phân phối chính hãng tỏ ra không mấy ngạc nhiên trước tin này. Ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi bán lẻ Mai Nguyên Luxury Mobile cho biết, thị phần smartphone của LG ở hệ thống Mai Nguyên hiện đang chững lại ở mức 1% và nếu LG ngừng kinh doanh thì không ảnh hưởng đáng kể tới tình hình doanh thu của các hệ thống bán lẻ. Hơn nữa, lâu nay các hệ thống bán lẻ cấp ba (các cửa hàng nhỏ lẻ) gần như đã ngừng kinh doanh smartphone LG trong khi các đại lý cấp hai như Mai Nguyên thì vẫn nhập về theo dạng cầm chừng.
Ông nói thêm: “Tuy nhiên, với mô hình kinh doanh smartphone “luxury” (siêu cao cấp) như Mai Nguyên thì điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng, do các flagship của LG như LG V10 hay G5 trước đây và thậm chí là V20 sắp tới đều ít nhiều có vai trò đối trọng với các flagship tới từ các hãng Samsung, HTC… khi khách hàng cần tham khảo hoặc có nhu cầu sở hữu.
Thậm chí, định hướng ban đầu của LG là đưa G5 về Việt Nam, nhưng tới giờ thì có lẽ đã quá trễ. Dù sao ở góc độ là đại lý kinh doanh smartphone cao cấp, chúng tôi cũng cảm thấy tiếc cho LG nếu họ tạm ngừng kinh doanh smartphone ở Việt Nam, vì thị trường trong nước vốn đã chật hẹp và đòi hỏi rất nhiều công sức để duy trì, nếu họ muốn quay lại cũng rất khó khăn và mất thời gian”.
Song, ông chủ hệ thống Mai Nguyên Luxury Mobile cũng xác nhận về việc có nghe thông tin LG sắp có thay đổi và điều chuyển nhân sự lớn ở mảng di động tại Việt Nam và nhận định: “Do có tiềm lực lớn và thị trường smartphone rất béo bở, nên có lẽ LG không ngừng hẳn mà chỉ tạm thời ngừng kinh doanh để tái cơ cấu lại nhân sự cho ổn rồi mới quay lại, thậm chí có thể họ sẽ thay đổi mô hình kinh doanh so với hiện nay”.
Điều này cũng có thể có cơ sở khi báo Korea Times (Hàn Quốc) hồi đầu tháng 7/2016 đưa tin, trước tình cảnh doanh số LG G5 gần như không “sinh lợi” gì cho công ty, LG đã thay thế một số Giám đốc điều hành và thành lập một Phòng quản lý chương trình (Program Management Office, viết tắt là PMO) trực thuộc Bộ phận Di động của hãng, với hy vọng việc tái cơ cấu sẽ mang lại những động lực mới.
Hành trình từ Optimus G danh tiếng tới cũ ngã G4 “điếng người”
Ngược dòng lịch sử, vào năm 2012, LG bất ngờ giới thiệu LG Optimus G, chiếc smartphone sở hữu thiết kế đột phá cùng nhiều công nghệ cao cấp. Tên tuổi của hãng ngay lập tức lên như diều gặp gió và dựa vào đó hãng tiếp tục đưa ra những mẫu smartphone được đánh giá cao như LG G2, LG G3, Optimus G Pro… Trên đà thắng lợi đó, LG còn mạnh dạnh đưa ra những mẫu smartphone mang tính “concept” như LG G Flex với màn hình cong và khả năng… tự lành vết xước.
LG Optimus G
Tuy nhiên, vinh quang bao nhiêu thì thử thách cũng lớn bấy nhiêu khi được kỳ vọng lớn. Bởi các mẫu “hàng hot” tiếp theo của LG là G Flex2 với màn hình cong, G4 với camera có khẩu độ f/1.8 và smartphone hai màn hình LG V10 được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá lớn khi “hội tụ mọi tinh hoa của LG” cuối cùng đã thất bại thảm hại.
Sai lầm nối tiếp sai lầm, G Flex 2 đã không có đột phá nào đáng kể và lại còn dính lỗi quá nhiệt do “thảm họa” Snapdragon 810 gây ra. Trong khi đó, LG G4 vốn mang trong mình mọi tinh hoa của LG thời bấy giờ như camera bá đạo, chất liệu vỏ da độc đáo nhưng lại dính lỗi… đột tử?! Biến máy của người dùng đang yên đang lành bỗng trở thành 1 cục chặn giấy.
LG G4
Sau đó, hãng thừa nhận lỗi này xuất phát từ sai sót trong quá trình gia công chip nhớ, nhưng như thế đã là quá muộn và G4 nhanh chóng trở thành phế phẩm so với các flagship cùng thời. Mọi con mắt đổ dồn vào V10 sau đó cũng nhanh chóng bị quên lãng do dư âm tai tiếng từ G4 gây ra và cả do chính cách tiếp thị sản phẩm của LG “có vấn đề”.
LG G5 có thiết kế kiểu module
Ngay từ đầu năm nay, LG đã tiếp tục giới thiệu flagship LG G5 với thiết kế mang tính đột phá khi sử dụng cơ cấu module để “nâng cấp” smartphone tùy theo nhu cầu, tuy nhiên thiết kế này mang tính “đi trước thời đại”, khi thị trường chưa sẵn sàng cũng như chi phí cho các module mở rộng quá đắt, G5 chưa tạo ra được cú hích nào đáng kể và theo LG thì G5 “không tạo ra doanh thu” cho hãng, nếu không muốn nói đó lại là một thất bại tiếp theo của LG ở mảng di động.
Để tránh hiểu nhầm, cũng phải nói thêm rằng, hiện chỉ có mảng di động của LG đang đi sai hướng và đòi hỏi phải tái cơ cấu như đã đề cập trong bài. Còn các mảng và ngành hàng khác của LG tại Việt Nam như TV OLED, điều hòa, máy giặt, mỹ phẩm,… vẫn đang ăn nên làm ra, góp phần tạo doanh thu lớn cho hãng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin xung quanh vấn đề này.
Theo vnreview.vn