“Lớn” không thôi chưa phải là từ thích hợp để mô tả tương lai của ngành công nghiệp cảm biến hình ảnh CMOS vốn sẽ đạt trị giá gần 19 tỷ USD trong khoảng 5 năm tới. Hiện nay, Sony đang là hãng thống trị thị phần cảm biến CMOS trên smartphone khi kiểm soát tới 35% thị phần, tương đương 3,6 tỷ USD trong tổng số 6,7 tỷ USD của năm 2015.
Tuy nhiên, không chỉ có Sony độc chiếm thị trường này. Theo Digital Trends, một số nhà sản xuất lớn khác cũng góp mặt như Samsung, Omnivision, On Semiconductor, Canon, Toshiba, và Panasonic. Tuy vậy, không một đối thủ nào đủ sức để cạnh tranh với Sony, cho dù đó là Samsung với 19% ở vị trí thứ hai.
Nói một cách đơn giản, các yếu tố cạnh tranh trong công nghệ cảm biến hình ảnh trên smartphone gồm khả năng tự động lấy nét, nâng cao chất lượng hình ảnh và tích hợp khả năng ổn định hình ảnh quang học. Nói cách khác, các cảm biến này cung cấp tất cả các chức năng mà một nhiếp ảnh gia nghiệp dư cần để chụp được những bức ảnh đẹp, chân thực và thú vị.
Ngoài việc cung cấp cho smartphone, lĩnh vực máy ảnh dành cho xe hơi cũng là thị trường đầy tiềm năng cho công nghệ sản xuất cảm biến CMOS, đòi hỏi các nhà sản xuất cần phải tăng thêm công suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Được biết, thị trường cảm biến hình ảnh dành cho xe hơi đã tăng 23% trong năm 2015, lên mức 537 triệu USD.
Đó là chưa kể đến thị trường cảm biến hình ảnh dành cho drone vốn đang rất phát triển. Riêng thị trường này luôn đòi hỏi các thiết bị hình ảnh phải tinh vi hơn, đi kèm với các mẫu drone hiện đại. Chất lượng hình ảnh và khả năng chụp ảnh trên nhiều thế hệ drone mới hiện nay rất ấn tượng, tất cả đều nhờ sự phát triển của công nghệ cảm biến hình ảnh CMOS.
Không thể quên một loại hình công nghệ mới đó là thực tế ảo, với rất nhiều thiết bị được ra mắt gần đây. Máy ảnh kép, hình ảnh 360 độ, máy quay cho các ứng dụng VR, tất cả đều được tích hợp các bộ cảm biến hình ảnh, đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra nội dung VR chân thật hơn, thu hút nhiều người dùng hơn.
Theo vnreview.vn