Tài sản kỹ thuật số có cả giá trị vật chất lẫn tinh thần
Bất cứ người nào cũng cần có di chúc, để quyết định sẽ để lại cho ai những tài sản đáng giá như tiền tiết kiệm, bất động sản… sau khi họ qua đời. Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, khi cuộc sống ảo trên mạng Internet của con người ngày càng rộng lớn và phong phú, di chúc về tài sản kỹ thuật số cũng trở nên quan trọng. Sau khi bạn qua đời, ai sẽ được thừa hưỡng những bức ảnh và email lưu trữ trên mạng? Ai được quyền sở hữu album ảnh và bài đăng trong tài khoản Facebook? Ai sẽ nhận những vật phẩm như kiếm báu và áo giáp trong game online? Những điều này có thể rất quan trọng đối với bạn bè và thân nhân của một người đã qua đời.
Ông John M. Riccione, một luật sư của hãng luật Aronberg Goldgehn Davis & Garmisa (Mỹ), nói về điều này như sau: 'Tài sản kỹ thuật số có giá trị riêng, có thể về mặt tinh thần, có thể về mặt vật chất. Có thể sẽ xảy ra tranh chấp giữa họ hàng của người đã khuất trừ khi bạn viết rõ trong di chúc về cách xử lý những tài sản này'.
Nhiều dịch vụ Internet đã có biện pháp để giúp mọi người chuẩn bị cho những gì sẽ diễn ra sau khi họ qua đời. Tháng 4/2013, Google đã giới thiệu chương trình Inactive Acount Manager (Quản lý tài khoản không hoạt động). Chương trình này cho phép người dùng các dịch vụ của Google chọn cách xử lý các dữ liệu lưu trên mạng của họ - ví dụ như thư từ lưu trữ trong Gmail, album ảnh Picasa cho tới những dữ liệu được chia sẻ công khai như video YouTube.
Người dùng có thể lựa chọn để Google vô hiệu hóa tài khoản sau khi tài khoản không được sử dụng sau 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm, sau đó cung cấp tên những người sẽ được thông báo sau khi tài khoản của họ ngừng hoạt động. Nếu không muốn để lại dữ liệu này cho ai, bạn có thể yêu cầu Google xóa toàn bộ thông tin trong tài khoản sau khi bạn không còn sử dụng.
Giáo sư luật Naomi R. Cahn thuộc Đại học George Washington nói rằng chương trình mới của Google là một bước tiến trong việc lập di chúc về tài sản kỹ thuật số. Bà Cahn nói: 'Mọi người nên xem xét cẩn thận về số phận của dữ liệu cá nhân trên mạng trực tuyến sau khi họ không còn khả năng quản lý chúng'.
Một số công ty khác cũng hỗ trợ người dùng quản lý di sản kỹ thuật số. Nhiều dịch vụ cung cấp các két trực tuyến an toàn, nơi bạn có thể cất giữ password (mật khẩu) của các tài khoản email và nhiều dữ liệu khác. Ví dụ, tài khoản SecureSafe cho phép lưu trữ miễn phí 50 password, 10 megabyte dung lượng dữ liệu và chỉ định người thụ hưởng các dữ liệu này. Người dùng có thể truy cập tài khoản SecureSafe qua trình duyệt web hoặc qua ứng dụng miễn phí cho iOS và Android.
Nên cân nhắc nghiêm túc về di chúc cho tài sản số
Alexandra Gerson, một luật sư của hãng luật Helsell Fetterman, tư vấn về di chúc cho tài sản kỹ thuật số như sau: 'Mỗi người nên tạo một danh sách riêng chứa tên người dùng và mật khẩu của những tài khoản có chứa dữ liệu số quan trọng, hãy nhớ cập nhật danh sách này mỗi khi bạn thay đổi thông tin đăng nhập. Đừng liệt kê tên tài khoản và mật khẩu vào trong di chúc, vì sau khi bạn chết, di chúc sẽ trở thành một hồ sơ công khai'.
Một vấn đề quan trọng khác là người thực hiện di chúc và người đại diện phải hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn tài sản kỹ thuật số, và biết cách để truy cập những nội dung này. Bà Laura Hoexter, một luật sư chuyên tư vấn các vấn đề về thừa kế, nói: 'Tốt nhất nên chọn người am hiểu công nghệ và biết các tài khoản online của bạn như tài khoản chơi game, tài khoản mạng xã hội, email…'. Sau khi bạn chết, người thực thi di chúc hoặc người đại diện có thể liên lạc với Facebook và các trang truyền thông xã hội khác, chứng minh quyền quản lý tài sản số và yêu cầu được cung cấp nội dung của tài khoản.
'Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ không đưa cho người thực hiện di chúc tên tài khoản và mật khẩu của người đã chết, nhưng họ sẽ cung cấp những nội dung trong tài khoản đó như tranh ảnh và bài đăng', bà Hoexter giải thích thêm.
Việc chuyển nhượng tài khoản số sau khi chủ sở hữu chết tùy thuộc vào các điều khoản của công ty cung cấp dịch vụ, luật bản quyền và tùy thuộc các file tài liệu có bị mã hóa để cấm sao chép tự do hay không. Ví dụ, quyền sở hữu các nội dung mua từ kho ứng dụng Google Play (cho Android) sẽ kết thúc sau khi người mua qua đời. Bà Nadja Blagojevic, một nhà quản lý của Google, cho biết hiện vẫn chưa có cách gì để chuyển nhượng những nội dung này sau khi người mua chết.
Giáo sư Naomi R. Cahn của Đại học Luật George Washington nhấn mạnh rằng, đã tới lúc mọi người nên suy nghĩ nghiêm túc về việc viết di chúc về tài sản kỹ thuật số, đặc biệt khi họ đang có vấn đề về sức khỏe. Bà nói: 'Nếu ai đó mắc bệnh nan y, ngoài việc chuẩn bị các vấn đề về tinh thần và tài chính, họ nên chuẩn bị cách giải quyết những tài sản trên mạng Internet'.