Tranh cãi bản quyền tin tức trên mạng xã hội tại Australia: Cuộc đối đầu gay gắt
Cuộc đối đầu giữa Chính phủ Australia và mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook liên quan đến vấn đề bản quyền tin tức không chỉ để lại hậu quả cho cả hai bên mà còn gây ảnh hưởng nặng nề tới người dân khi cần cập nhật những thông tin về đại dịch Covid-19 và các vấn đề khẩn cấp khác. Do vậy, việc tìm kiếm giải pháp hợp lý là bước đi cần thiết, tránh để bất đồng này ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Trang nhất của các tờ báo tại Australia đồng loạt đăng tải những diễn biến trong cuộc tranh cãi giữa Facebook và Chính phủ nước này.
Vào sáng 18-2, nhiều trang tin tức của Australia trên Facebook đã không thể truy cập. Theo thông báo của ông William Easton, Giám đốc điều hành Facebook tại Australia và New Zealand, người dùng tại Australia sẽ không thể xem hoặc chia sẻ tin tức của các hãng truyền thông địa phương lẫn quốc tế trên mạng xã hội này. Không chỉ tin tức từ các cơ quan báo chí mà thông tin từ một số trang của Chính phủ Australia trên nền tảng này đều bị chặn.
Hãng tin Reuters bình luận, đây là một động thái leo thang căng thẳng bất ngờ giữa “gã khổng lồ” công nghệ Facebook và Chính phủ Australia, liên quan tới dự luật mang tên Luật Đàm phán truyền thông dự kiến sẽ được thông qua trong vài ngày tới. Dự luật được đưa ra hồi năm ngoái này yêu cầu hai “ông lớn” về công nghệ là Google và Facebook phải thương lượng trả phí cho các hãng báo chí để sử dụng nội dung tin tức trên các nền tảng của mình, kể cả trong phần kết quả tìm kiếm. Nếu các bên không đạt được thỏa thuận, Canberra sẽ chỉ định cơ quan trọng tài quyết định mức phí và khi đó Google cũng như Facebook sẽ không còn quyền lựa chọn. Hai đại gia công nghệ Mỹ có thể đối mặt với mức phạt lên tới 10 triệu AUD (khoảng 7,7 triệu USD) nếu vi phạm quyết định của trọng tài độc lập.
Theo ông W.Easton, dự luật được đưa ra đã hiểu sai mối quan hệ giữa Facebook và các nhà xuất bản sử dụng nền tảng này để chia sẻ nội dung tin tức. Điều này khiến Facebook phải đối mặt với lựa chọn khó khăn là bỏ qua thực tế về mối quan hệ này để tuân thủ luật lệ hoặc ngừng cho phép nội dung tin tức tồn tại trên các dịch vụ của công ty này tại Australia. Và Facebook đã lựa chọn phương án thứ hai. Trong khi đó, dù cũng đã từng đe dọa loại bỏ công cụ tìm kiếm của mình khỏi xứ Chuột túi, Google lại đang rất được hoan nghênh với những kết quả đàm phán tích cực từ việc xúc tiến các thỏa thuận trả tiền cho các hãng truyền thông lớn như Nine, Seven West Media, The Saturday Paper… để được sử dụng các nội dung tin tức.
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 18-2 đã chỉ trích hành động của Facebook là đáng thất vọng và nhấn mạnh rằng, động thái này chỉ giúp xác nhận mối quan ngại của ngày càng nhiều quốc gia về việc các công ty công nghệ lớn cho rằng mình có quyền hạn cao hơn các chính phủ. Một số quan chức Australia cũng cho rằng, việc ngăn người dân truy cập các trang web của Chính phủ như dịch vụ y tế, khẩn cấp, khí tượng… hoàn toàn không liên quan tới dự luật đàm phán truyền thông. Trên thực tế, nhiều người tại quốc gia Nam bán cầu đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay và chỉ trích quyết định mới của Facebook không khác gì hành vi bắt nạt người dùng, nhất là khi các tin tức không thể được chia sẻ rộng rãi trong thời điểm nước này sắp triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên cả nước.
Theo ước tính, có tới 2/3 dân số, tương đương khoảng 17 triệu người Australia sử dụng Facebook hằng tháng. Con số trên phần nào nói lên tầm ảnh hưởng của nền tảng này trong việc chia sẻ thông tin đối với người dân xứ Chuột túi.
Phát biểu trước truyền thông ngày 19-2, Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg khẳng định, Australia sẽ không lùi bước trước Facebook. Quan chức Australia cũng cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg để tìm kiếm giải pháp hợp lý. Đây được xem là bước đi cần thiết, tránh để bất đồng này ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Minh Hiếu