Australia không lùi bước trước động thái gây sức ép từ Facebook
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 18/2 đã lên tiếng kêu gọi hạn chế ảnh hưởng của Facebook, sau khi ‘gã khổng lồ’ công nghệ chặn nội dung tin tức của các hãng tin tức Australia nhằm đáp trả việc Quốc hội nước này chuẩn bị thông qua Bộ quy tắc thương lượng truyền thông, buộc các công ty công nghệ trả tiền cho nội dung tin tức xuất hiện trên các nền tảng số.
Màn khẩu chiến giữa Facebook và chính phủ Australia vẫn chưa ngã ngũ. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: AFP )
Trong thông điệp đăng tải trên Facebook, ngày 18/2, Thủ tướng Morrison khẳng định chính phủ Australia sẽ không lùi bước trước động thái mà ông đánh giá là “thiếu thiện chí và gây thất vọng” từ Facebook.
Theo quan điểm từ ông Morrison thì hành động của Facebook sẽ chỉ càng làm rõ một thực tế rằng, ngày càng có nhiều quốc gia tỏ ra quan ngại về hành vi của các công ty lớn về công nghệ – vốn tự coi mình có vai trò lớn hơn chính phủ các nước và các quy tắc không nên được áp dụng cho họ.
Ông Morrison tuyên bố, Australia sẽ không lùi bước trước động thái gây sức ép của Facebook nhằm cản trở Quốc hội nước này thông qua Bộ quy tắc thương lượng truyền thông. Theo đó, buộc các “gã khổng lồ” công nghệ như Facebook và Google phải trả tiền cho nội dung mà các hãng truyền thông Australia cung cấp, nếu không có thể phải đối mặt với tiền phạt. Dự luật đã được đệ trình lên Quốc hội Australia vào tháng 12 năm ngoái. Đêm 17/2, Hạ viện Australia đã thông qua dự luật trên, mở đường cho Thượng viện thực hiện các thủ tục tiếp theo để ban hành chính thức thành luật.
Đáp lại động thái trên của cơ quan lập pháp Australia, ông William Easton – quản lý của Facebook tại Australia và New Zealand – cho biết “sẽ hạn chế cơ quan xuất bản tin tức và người dân ở Australia chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức của Australia và quốc tế” vì dự luật được đề xuất “về cơ bản hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi và cơ quan xuất bản tin tức”. Lệnh cấm của Facebook đã ảnh hưởng đến một số dịch vụ khẩn cấp ở Australia – khi các trang Facebook vốn đóng vai trò cảnh báo công chúng về bùng phát COVID-19, cháy rừng và lốc xoáy bị bỏ trống, còn các trang Facebook của dịch vụ cứu hỏa, y tế và khí tượng cũng bị xóa sổ.
Sáng 19/2, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg xác nhận ông trao đổi với người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg liên quan tới việc tin tức của Australia đã bị “cấm cửa” trên nền tảng truyền thông xã hội ngày thứ 2 liên tiếp. Trong thông điệp phát trên Twitter, ông Frydenberg cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận kỹ lưỡng về những khúc mắc của phía họ và nhất trí rằng các nhóm tương ứng của chúng tôi sẽ giải quyết các vấn đề này ngay lập tức”. Tuy nhiên, ông Frydenberg cũng khẳng định lập trường cứng rắn của Australia nhằm hoàn thiện Bộ quy tắc thương lượng truyền thông. “Tất cả đều nhằm mục đích tạo bình đẳng sân chơi, bảo vệ báo chí vì lợi ích cộng đồng và bảo đảm rằng các nhà báo được ghi nhận khi tạo ra nội dung gốc” – Bộ trưởng Ngân khố Australia khẳng định.
Ngày 18/2, các thành viên Quốc hội Australia cũng lên tiếng chỉ trích quyết định của Facebook. Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt lo ngại hành động của Facebook có thể dẫn tới việc lan truyền những thông tin sai lệch vô trách nhiệm vào thời điểm Australia đang chuẩn bị sử dụng vaccine COVID-19 vào tuần tới.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia (AMA) – Tiến sỹ Omar Khorshid cũng chia sẻ với quan ngại trên và cho rằng, hành động của Facebook có thể khiến sức khỏe của người dân Australia gặp phải nguy hiểm.
Hiện Chính phủ Australia đang tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo nước ngoài trong cuộc tranh cãi pháp lý với Facebook. Tối 18/2, ông Morrison đã thảo luận với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhằm nêu đề xuất ngăn chặn các công ty truyền thông xã hội có động thái “o ép” nhằm vào chính phủ các nước . Đây cũng là nội dung mà Thủ tướng Australia có kế hoạch tiếp tục thảo luận với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới./.
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)