Mỹ ‘phản ứng’ với Australia vì Facebook và Google
Yêu cầu buộc Facebook và Google phải trả tiền bản quyền tin tức cho các hãng tin của Australia vừa bị Mỹ phản ứng.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) mới đây đã có thư gửi Thượng viện Australia đề nghị đình chỉ đạo luật buộc Google và Facebook phải trả phí tin tức cho hãng tin tức tại Australia.
USTR cho rằng bộ quy tắc của Australia “được soạn thảo một cách mơ hồ và khó hiểu”, và nếu được đưa vào thực hiện có thể gây “hậu quả tiêu cực” cho các công ty của Mỹ và Australia, cũng như người tiêu dùng nước này. Nhà chức trách Australia cần nghiên cứu sâu hơn về thị trường công nghệ số và phát triển các quy tắc tự nguyện.
Mỹ phản đối dự luật thu tiền bản quyền tin tức đối với Facebook và Google của nhà chức trách Australia
Trước đó, hồi tháng 4/2020, Chính phủ Australia đưa ra tuyên bố cứng rắn về việc yêu cầu hai gã khổng lồ công nghệ là Facebook và Google phải trả tiền bản quyền cho việc cho việc sử dụng tin tức lấy từ báo chí trong nước.
Chính phủ Australia sẽ luật hóa một bộ quy tắc ứng xử áp dụng trên các nền tảng kỹ thuật số, yêu cầu các hãng công nghệ trả tiền cho việc sử dụng tin tức của báo chí, chia sẻ dữ liệu về người tiêu dùng và tuân theo các quy tắc về xếp hạng tin tức trực tuyến. Thực tế, việc này được nhắm vào hai ông lớn Facebook và Google, vốn nắm giữ phần lớn mảng truyền thông kỹ thuật số trên mạng xã hội.
Theo Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg cho biết bộ quy tắc trên sẽ được Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Australia (ACCC) trực tiếp soạn thảo và hoàn thành bộ quy tắc ứng xử để đưa ra lấy ý kiến. Ngoài nội dung chính liên quan đến yêu cầu bắt buộc đối với các hãng công nghệ phải trả phí cho truyền thông nước này để sử dụng tin bài. Chính quyền Australia cũng sẽ dựa vào bộ quy tắc trên để đưa ra các hình thức xử phạt cho việc không tuân thủ và quy trình giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc.
Trước Australia, chính quyền Pháp cũng đã đưa ra yêu cầu đối với Google phải đàm phán với các cơ quan báo chí về việc trả tiền khi dùng các đoạn tin nhỏ trong dịch vụ News tổng hợp tin tức của Google cũng như khi người dùng tìm kiếm trên Google.
B.Châu (t/h)