Cuộc cách mạng di động mới đang đến gần, nơi mà con người sẽ giao tiếp với những chiếc smartphone thông qua giọng nói và hình ảnh mà chẳng cần phải chạm vào máy.
Trong những năm qua, chúng ta dễ dàng nhận ra công nghệ đã phát triển nhanh đến nhường nào, mọi thứ xung quanh chúng ta đều được “số hoá” và trở nên thông minh hơn bao giờ hết, các thiết bị không chỉ hoạt động độc lập mà còn có thể kết hợp với nhau để tạo thành một hệ sinh thái, cho phép con người có thể làm được nhiều điều thú vị hơn.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, những chiếc smartphone cũng sẽ phải thực hiện thay đổi khi các cuộc cách mạng di động đang đến gần, khi mà người dùng sẽ không còn dùng smartphone theo các thao tác truyền thống là chạm và vuốt, thay vào đó sẽ tương tác với smartphone bằng giọng nói và có thể cả bằng hình ảnh.
6Bằng chứng là trong thời gian ngắn, khoảng 1 năm trở lại đây, các ông lớn như Apple, Google, Microsoft hay cả Amazon đều tung ra nhiều bản cập nhật lớn cho các trợ lý ảo của riêng mình, bổ sung thêm nhiều tính năng, cho phép trợ lý ảo có thể tương tác sâu hơn với ứng dụng và hệ thống, đồng thời cũng cải tiến thuật toán để những trợ lý ảo này trở nên thông minh hơn.
Nếu như trước đây, mỗi trợ lý ảo của mỗi hãng đều chỉ được cài đặt và hỗ trợ riêng cho từng hệ điều hành, thì nay các hãng đã bớt “ích kỷ” hơn khi liên tục tung ra những phiên bản dành cho hệ điều hành khác. Chẳng hạn như trợ lý ảo Google Assistant của “gã khổng lồ” Google tưởng chừng như sẽ chỉ hỗ trợ cho hệ điều hành Android, nhưng một thời gian ngắn sau đó Google cũng mang trợ lý ảo này lên trên hệ điều hành iOS, mà cụ thể là những chiếc iPhone, iPad mà chúng ta thường thấy. Dù vậy thì Google Assistant sẽ bị Apple khoá một số chức năng nhất định nhằm bảo vệ trợ lý ảo “con cưng” Siri, tuy nhiên điểm cộng lớn nhất là nay người dùng đã có thêm một sự lựa chọn trợ lý ảo ngoài Siri.
Google Assistant không phải là một ví dụ duy nhất của vấn đề này, khi thậm chí trợ lý ảo Cortana của Microsoft còn hỗ trợ cả Android lẫn iOS bên cạnh hệ điều hành Windows 10 Mobile mặc định. Rõ ràng, các ông lớn trong làng công nghệ đã không còn xem trợ lý ảo là một món hàng độc quyền, hay một thứ gì đó to lớn của riêng mình, thay vào đó đã tích cực mở rộng và mang sang hỗ trợ những nền tảng khác, vì nhận ra những lợi ích to lớn có thể mang lại cho mình.
Người hưởng lợi lớn nhất từ việc trợ lý ảo phát triển chính là người dùng khi có thêm một phương thức mới để tương tác với những chiếc smartphone. Thay vì phải đưa vào smartphone một nội dung dài bằng cách nhập liệu bằng bàn phím, nay người dùng đã có thể làm điều tương tự bằng cách nhập liệu bằng giọng nói mà chẳng cần phải nhìn vào máy. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại công nghệ nhận diện giọng nói của các trợ lý ảo chưa đạt đến độ chính xác và hiệu quả như mong muốn, đôi khi vẫn xảy ra những sự sai sót, trở thành nguyên nhân chính khiến người dùng chưa sử dụng trợ lý ảo thay cho việc thao tác bằng tay truyền thống.
Do vậy, trong lúc chờ trợ lý ảo được cải tiến thêm về công nghệ nhận dạng giọng nói, Google đang phát triển thêm công nghệ nhận dạng hình ảnh và tận dụng sức mạnh của trí thông minh nhân tạo, cho phép người dùng có thể tìm kiếm nhanh thông tin về một món đồ bằng cách hướng camera về phía món đồ đó, hệ thống sẽ tự động tìm kiếm trên Google, Bing để đưa ra thông tin. Với những điều mà bộ đôi camera và trí thông minh nhân tạo mang lại, bạn thậm chí còn chẳng cần phải chạm vào máy hay ra lệnh bằng giọng nói, đơn giản vì chiếc smartphone nay có thể hiểu được những gì bạn muốn, quả thực rất tuyệt vời phải không nào?
Bên cạnh sự phát triển của các công nghệ trí thông minh nhân tạo, trợ lý ảo, nhận diện hình ảnh thông minh, cuộc các mạng di động đang tới sẽ thay đổi cả cách người dùng tương tác ứng dụng, chúng ta sẽ không cần phải cài đặt ứng dụng mà sẽ dùng trực tiếp trên web thông qua sức mạnh xử lý của công nghệ điện toán đám mây.
Cuộc cách mạng đang đến gần sẽ là một cơ hội không thể nào tốt hơn để các ông lớn có thể mang các công nghệ của tương lai đến gần hơn với người dùng, nơi mà công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ là trung tâm, còn ứng dụng, tính năng, phần cứng,... sẽ là những thành phần phụ trợ và giúp trí tuệ nhân tạo có thể phát huy hết sức mạnh của mình.
Nguyễn Nguyên