Liberty Reserve - website vừa bị cơ quan an ninh Mỹ phanh phui 'thành tích' rửa tiền kỷ lục thực chất là hệ thống thanh toán online, cho phép người dùng chuyển từ USD hoặc euro sang một loại tiền ảo để giao dịch trên Internet. Theo cáo trạng của công tố viên Preet Bharara tại Manhattan (Mỹ), tiền ảo của Liberty Reserve được gọi là 'LR'. Người dùng mở tài khoản tại đây chỉ cần tên, địa chỉ, ngày sinh.
Liberty Reserve thậm chí cho phép người dùng mở tài khoản bằng cả tên ảo, như 'Hacker Nga' hay 'Tài khoản hacker'. Dĩ nhiên, công ty sau đó cũng chẳng làm gì để xác minh lại.
Sơ đồ hoạt động rửa tiền thông qua Liberty Reserve. Ảnh:NYT
Khách hàng có thể nạp tiền vào tài khoản Liberty Reserve thông qua thanh toán từ một ngân hàng, phiếu tiền do bưu điện phát hành (postal money order) hay chuyển khoản. Sau đó, số tiền này sẽ được quy đổi sang LR bởi một dịch vụ trung chuyển tiền điện tử (exchanger).
Cũng thông qua exchanger, tiền ảo sau đó lại được quy đổi về USD hoặc các tiền tệ bất kỳ, để gửi vào tài khoản ngân hàng hoặc rút ra thanh toán cho người khác.
Bản cáo trạng cũng cho biết Liberty Reserve không lưu trữ bất kỳ thông tin nào về giao dịch hay hoạt động qua ngân hàng từ bên thứ ba. Họ cũng cho phép người dùng giấu số tài khoản Liberty Exchange khi thực hiện giao dịch. Việc này một lần nữa tạo cơ hội cho những người dùng muốn che giấu thông tin cá nhân thật.
Theo cáo trạng, công ty này thực hiện khoảng 12 triệu giao dịch tài chính mỗi năm kể từ khi hoạt động năm 2006. Tổng cộng, Liberty Reserve đã hỗ trợ rửa tiền tới 6 tỷ USD cho các hoạt động phi pháp. Cáo trạng còn cho biết hoạt động rửa tiền tập trung tại Mỹ, Nigeria, Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc và Việt Nam.