Chuyên gia bảo mật người Ấn Độ Anand Prakash mới đây vừa phát hiện ra một lỗi an ninh trên mạng xã hội Facebook có thể cho phép hacker dễ dàng đánh cắp mọi tài khoản nếu khai thác thành công.
Các dịch vụ trên Internet luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bảo mật, và Facebook cũng không phải là ngoại lệ. Theo phát hiện mới đây của nhà nghiên cứu bảo mật Ấn Độ Anand Prakash, mạng xã hội Facebook tồn tại một lỗ hổng bảo mật mà nếu khai thác thành công, hacker có thể dễ dàng đánh cắp mọi tài khoản người dùng nếu muốn.
Hiện tại, lỗi này đã được Facebook bịt lại, và bản thân Anand Prakash cũng được Facebook thưởng tới 15.000 USD vì có công phát hiện cũng như bí mật báo cáo lại cho hãng. Trong một bài đăng trên blog, Prakash nói rằng, lỗi bảo mật trên Facebook cho phép anh đánh cắp tài khoản mà 'không cần bất kỳ tương tác nào từ phía người dùng'. Prakash có thể truy cập được mọi loại thông tin lưu trên tài khoản, từ tin nhắn, ảnh, video, thông tin tài chính lưu trong mục thanh toán của Facebook.
Chuyên gia này giải thích trong bài đăng, cho biết việc thiếu các giao thức bảo mật trong một số phiên bản Facebook là lý do vì sao hacker reset (thiết lập lại) mật khẩu tài khoản mà người dùng không hề hay biết.
Khi quên mật khẩu Facebook, bạn có thể sử dụng tính năng reset của website này để khôi phục mật khẩu. Bạn xác thực tài khoản bằng cách nhập số điện thoại, địa chỉ email, tên người dùng hoặc tên thật. Facebook sau đó gửi một đoạn mã 6 số đến số điện thoại của bạn, và bạn nhập lại 6 số này để tạo mật khẩu mới.
Website chính của Facebook (facebook.com) có tính năng ngăn chặn nguy cơ hacker ăn cắp tài khoản bằng cách chạy 1 chương trình nhằm 'đoán mò' mã số reset mật khẩu. Cụ thể, mạng xã hội này sẽ tiến hành khóa tài khoản sau 10 đến 12 lần nhập mã không chính xác. Tuy nhiên, Prakash phát hiện ra rằng trên các trang beta, bao gồm beta.facebook.com và mbasic.beta.facebook.com, tính năng trên đã bị bỏ qua, và đây là lý do hacker có thể tạo ra một cuộc tấn công 'vét cạn' (brute-force) nhằm ăn cắp mật khẩu.
Prakash thông báo cho Facebook về lỗ hổng hôm 22/2. Do tính chất nghiêm trọng của nó, Facebook đã nhanh chóng xác thực, sau đó thừa nhận lỗi và thưởng cho nhà nghiên cứu Prakash số tiền 15.000 USD. Số tiền này được lấy từ một nguồn quỹ do Facebook lập ra năm 2011 nhằm thưởng cho các hacker, nhà nghiên cứu bảo mật có công phát hiện và bí mật báo cáo lỗi an ninh trên mạng xã hội này. Đây là chính sách không chỉ của riêng Facebook, mà nó cũng được các công ty công nghệ lớn khác (Microsoft, Google) áp dụng nhằm