Neuralink, một cái tên khá mới mẻ vừa được Elon Musk, CEO của Tesla, giới thiệu đến làng công nghệ và khoa học toàn cầu. Ông cho biết, Neuralink sẽ mang trên mình một sứ mệnh cao cả, và nó sẽ có khả năng thay đổi nhân loại chúng ta.
(Ảnh: Wearechange)
1. Vậy Neuralink là gì?
Theo trang BBC, Neuralink là một công ty startup do ông Elon Musk sáng lập. Công ty này đang hiện thực hoá một công nghệ có khả năng kết nối não bộ của con người với máy tính. Giống như kiểu chiếc máy Animus trong tựa game nổi tiếng Assassin's Creed.
Neuralink được thành lập vào tháng 7/2016 và được công khai lần đầu tiên vào tháng 3/2017. Starup này được thành lập ở bang Delaware của Hoa Kỳ nhưng hoạt động chủ yếu ở bang California và được đăng ký như một công ty nghiên cứu y tế.
Theo CEO Elon Musk, mục tiêu của công ty là tăng cường trí tuệ cũng như hiệu năng làm việc của con người để chúng ta có thể cạnh tranh với những cỗ máy có AI đang ngày một thông minh hơn.
CEO Elon Musk với mục đích cao cả nâng cao khả năng học tập của con người (Ảnh: Business Insider)
Hiện tại, không chỉ có Neuralink mà còn có nhiều công ty, tập đoàn công nghệ đang theo đuổi vấn đề này như Facebook, Netflix, Emotiv,...
Với mục tiêu tạo ra một thiết bị có thể giúp con người có tải lên hoặc tải về những kiến thức, qua đó giúp họ tiếp thu nhanh chóng thay vì họ theo cách truyền thống như bây giờ. Nếu thành công, Neuralink với sản phẩm của họ sẽ cho phép con người thu thập được rất nhiều tri thức.
2. Công ty Neuralink đang tham gia vào dự án nào? Có liên quan đến trí tuệ nhân tạo không?
CEO Elon Musk đã nói trên Twitter rằng 'chi tiết của dự án do Neuralink theo đuổi sẽ được công bố vào một tuần sau đó'. Musk bày tỏ sự quan tâm của mình đến công nghệ Neural Lace.
Ông ấy mô tả Neural Lace là một sản phẩm tiềm năng tại hội nghị Vox Media's Code năm 2016 vì nó sẽ cho phép máy móc hay vi xử lí 'cộng sinh' với não bộ một cách dễ dàng và đơn giản.
Vậy Neural Lace là gì? Nói một cách đơn giản thì công nghệ này sẽ cấy các điện cực siêu nhỏ vào não, sau đó tải lên hoặc tải về kiến thức, ý tưởng và thông tin, giúp một người bình thường có thể đạt được mức trình độ cao hơn AI.
Ngoài ra Neural Lace còn giúp điều trị nhiều căn bệnh thần kinh khó điều trị. Đây là 1 thị trường mà hàng năm người Mỹ đã tiêu tốn hàng tỷ đô-la vào nó, qua đó sẽ giúp Neuralink và Elon Musk có thêm động lực để phát triển thành công Neuralink, qua đó đem về một khoản lợi nhuận khổng lồ để nuôi các khát vọng khác của ông.
Như vậy, Neuralink hứa hẹn sẽ mang đến tương lai một đột phá hay nói đúng hơn là 1 kỳ tích trong việc học tập của nhân loại, qua đó giúp nhân loại đạt đến 1 tầm cao mới.
3. Hãy thử tưởng tượng
Hãy thử tưởng tượng bạn học nhanh mọi kiến thức như có bánh mì ghi nhớ của Doraemon. Do ảnh truyện tranh phóng lớn nên bị bể, mong các bạn thông cảm (Ảnh: Internet)
Nếu như công nghệ này 1 ngày nào đó trở thành hiện thực thì chúng ta chỉ cần tải về những kiến thức mới nhất của nhân loại vào đầu chúng ta và chúng ta trở thành những người biết tuốt.
Sẽ không còn cái cảnh mà phải tốn chục triệu vào việc học anh văn hay 1 ngoại ngữ nào nữa, tất cả sẽ giải quyết trong tích tắc. Chúng ta có thể thông thạo 1 nhạc cụ nào đó như guitar, piano chỉ trong vòng vài phút và hát cho một cô gái mà chúng ta theo đuổi.
Hay những kiến thức trong trường đại học mà phải bỏ 4 năm trời để học thì giờ chỉ cần 4 phút tất cả các kiến thức đó đã nằm trong đầu của bạn. Như vậy thì có phải quá tuyệt vời rồi phải không?
Tuy nhiên mình vẫn có 1 thắc mắc là liệu công nghệ này có điểm trừ gì không, bởi vì đơn giản công nghệ này được thiết kế bởi máy móc, vậy nếu bị nhiễm virus thì sao? Chúng ta sẽ bị ảnh hưởng đến thần kinh hay tiếp thu sai kiến thức, như vậy sẽ rất nguy hiểm.
Chưa kể đến việc thể trạng của mỗi người lại khác nhau, làm sao chúng ta có thể biết được não của mình tiếp thu được bao nhiêu kiến thức? Nếu lỡ não bị quá tải thì coi như xong.
Tất cả câu trả lời cho những khuất mắt hay những điểm trừ của sản phẩm có lẽ phải đợi thời gian mới có thể có đáp án được. Còn bạn thì sao, bạn nghĩ công nghệ này sẽ giúp ích gì cho tương lai?
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn bên dưới bài viết này nhé.
Nguyễn Nhật