Theo điều tra của Vietnam Airlines, cho tới nay ít nhất có 65 người bị lừa mua phải vé máy bay giả tại Nhật Bản trong đó sân bay Haneda, Tokyo có nhiều nạn nhân nhất với 45 trường hợp.
Vietnam Airlines cho biết các đối tượng lừa đảo thường xuyên giao bán giá vé máy bay rẻ trên mạng. Khi khách hàng quan tâm, đối tượng sẽ lấy thông tin và đặt chỗ theo đúng yêu cầu của khách, gửi lại khách email mã đặt chỗ kèm với khuyến cáo phải thanh toán tiền trong vòng 12 tiếng nếu không sẽ bị hủy chỗ đó.
Khách vẫn có thể lên hệ thống kiểm tra đúng tên tuổi, hành trình nhưng không biết là sau bước thanh toán, khách cần nhận lại được vé máy bay có đầy đủ số vé và hành trình để thực hiện chuyến bay.
Đối tượng cũng hướng dẫn khách thanh toán theo 2 hình thức: chuyển khoản qua mạng cho một tài khoản mà đối tượng chỉ định hoặc thanh toán trực tiếp tại văn phòng chi nhánh VNA tại Nhật Bản.
Trong trường hợp này, đối tượng chỉ có thể lấy tiền khi khách lựa chọn hình thức thanh toán chuyển khoản cho tài khoản mà mình chỉ định. Sau khi khách trả tiền bằng chuyển khoản vào tài khoản được chỉ định, đối tượng không xuất vé và trả tiền lại cho Vietnam Airlines. Khi khách ra sân bay đưa mã đặt chỗ ra thì mới biết là vé giả. Trường hợp khách đến Chi nhánh VNA tại Nhật thì sẽ biết là không có mức giá đó và khách hàng sẽ phải đặt và mua vé lại theo nhu cầu.
Theo ghi nhận của Chi nhánh VNA tại Nhật Bản, hình thức này lần đầu tiên gặp phải tại Nhật. Trường hợp giao dịch qua facebook 'Dịch vụ Hàng không - Airserco' là trường hợp được khách hàng trực tiếp phản ánh tới Chi nhánh Nhật Bản. Tuy nhiên, theo đánh giá có thể không phải chỉ 1 mà nhiều đối tượng sử dụng hình thức này để rao bán vé giả với mức giá thấp hơn nhiều giá công bố của Hãng. Theo ghi nhận ước lượng từ các đầu sân bay, tính từ tháng 2,2016 (trước Tết Âm lịch), số lượng người bị lừa tương tự thông qua hình thức này là khoảng 65 trường hợp, cụ thể sân bay Haneda (Tokyo) 45 trường hợp, sân bay Narita (Tokyo) 15 trường hợp, sân bay Osaka (Tokyo): khoảng 5 trường hợp.
Những trường hợp bị phát hiện trên thực tế có thể lớn hơn.
Thời gian qua, hình thức lừa đảo mua vé máy bay ngày càng xuất hiện không chỉ tại Nhật mà còn ở một số khu vực khác. Trước Tết Bính Thân, nhiều du học sinh tại Sydney và Melbourne (Australia) sau khi chuyển tiền mua vé từ một người có tài khoản Facebook là Vi Tran đã phát hiện những tấm vé đó không có giá trị và người bán cũng mất tích.
Cơ quan chức năng xác định Vi Tran đã mua vé và nhận tiền của khách sau đó hoàn vé với hãng hàng không (chịu mất phí 10% giá vé) và mỗi tấm vé kẻ lừa đảo có thể bán đi bán lại cho hàng chục người.
Clip về vấn nạn lừa đảo vé máy bay giả:
Để phòng tránh mua vé máy bay giả, đại diện các hãng hàng không yêu cầu khách hàng nên mua vé của các phòng vé, đại lý chính thức hoặc trên trang web của hãng. Cùng đó, khách hàng cần lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé. Phiếu thu này được xem như một chứng từ, nên nếu xảy ra trục trặc, khách hàng có thể dùng giấy tờ này để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Các hãng hàng không cũng cảnh báo khách hàng cần cảnh giác với các lời chào mời mua vé lẻ trên mạng. Nếu nhận được những lời chào hàng về vé máy bay quá rẻ so với thông tin của hãng thì đừng vội đặt vé mà kiểm tra lại vì có thể đó là trò lừa đảo.