Đây là lần đầu tiên hình thức lừa đảo vé máy bay trực tuyến, khách hàng đã trả tiền vào tài khoản của Vietnam Airlines nhưng vẫn không có chỗ, xảy ra ở thị trường Nhật Bản.
Đối tượng lừa đảo gửi lại khách email mã đặt chỗ kèm với khuyến cáo phải thanh toán tiền trong vòng 12 tiếng nếu không sẽ bị hủy chỗ đó - Ảnh: Vietnam Airlines cung cấp
Liên quan đến vụ việc vé máy bay giả mạo của Vietnam Airlines (VNA) ở Nhật Bản vừa xảy ra, sáng nay 11-3, hãng hàng không này đã thông tin chi tiết cho Báo Người Lao Động về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo như sau:
Các đối tượng này thường xuyên giao bán giá vé máy bay rẻ trên mạng. Khi khách hàng quan tâm, đối tượng sẽ lấy thông tin và đặt chỗ theo đúng yêu cầu của khách, gửi lại khách email mã đặt chỗ kèm với khuyến cáo phải thanh toán tiền trong vòng 12 tiếng nếu không sẽ bị hủy chỗ đó. Khách vẫn có thể lên hệ thống kiểm tra đúng tên tuổi, hành trình nhưng không biết là sau bước thanh toán, khách cần nhận lại được vé máy bay có đầy đủ số vé và hành trình để thực hiện chuyến bay.
Đối tượng cũng hướng dẫn khách thanh toán theo 2 hình thức: chuyển khoản qua mạng cho một tài khoản mà đối tượng chỉ định hoặc thanh toán trực tiếp tại văn phòng chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản.
Một số hình ảnh chụp giao dịch với facebook rao vé giả - Ảnh: Vietnam Airlines cung cấp
Trong trường hợp này, đối tượng chỉ có thể lấy tiền khi khách lựa chọn hình thức thanh toán chuyển khoản cho tài khoản mà mình chỉ định. Sau khi khách trả tiền bằng chuyển khoản vào tài khoản được chỉ định, đối tượng không xuất vé và trả tiền lại cho Vietnam Airlines. Khi khách ra sân bay đưa mã đặt chỗ ra thì mới biết là vé giả.
Trường hợp khách đến Chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật thì sẽ biết là không có mức giá đó và khách hàng sẽ phải đặt và mua vé lại theo nhu cầu.
Theo ghi nhận của Chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản, hình thức này lần đầu tiên gặp phải tại Nhật Bản. Trường hợp giao dịch qua facebook 'Dịch vụ Hàng không - Airserco' là trường hợp được khách hàng trực tiếp phản ánh tới Chi nhánh Nhật Bản. Tuy nhiên, theo đánh giá có thể không phải chỉ 1 mà nhiều đối tượng sử dụng hình thức này để rao bán vé giả với mức giá thấp hơn nhiều giá công bố của Hãng.
Theo ghi nhận ước lượng từ các đầu sân bay, tính từ tháng 2-2016 (trước Tết Âm lịch), số lượng người bị lừa tương tự thông qua hình thức này là khoảng 65 trường hợp, cụ thể:
- Sân bay Haneda (Tokyo): khoảng 45 trường hợp
- Sân bay Narita (Tokyo): khoảng 15 trường hợp
- Sân bay Osaka (Tokyo): khoảng 5 trường hợp
T.Hà