Thomas Reed, chuyên gia bảo mật của Malwarebytes, chia sẻ kinh nghiệm của mình về những lầm tưởng của người dùng khi nhắc đến MacOS.
Theo Forbes, nhiều người chưa từng sử dụng MacOS có thể cho rằng hệ điều hành này rất bảo mật, tuy nhiên sự thật lại không như vậy. Chuyên gia bảo mật của Malwarebytes, Thomas Reed, đã chia sẻ những điều hay bị lầm tưởng về hệ điều hành này.
Máy tính Mac có thể dính virus
Theo Thomas Reed, nếu virus được coi như một phần mềm độc hại hay mã độc (malware), lây lan trong máy tính bằng cách 'tự dán' mình vào những tập tin khác, khi đó, MacOS cũng như nhiều hệ điều hành khác sẽ 'trong sạch' do những virus hoạt động theo phương thức đó phần lớn không còn hiện diện ngày nay.
Trên thực tế, mã độc thực chất là một phần mềm có thể gây hại đến máy tính và người dùng, bao gồm cả virus, backdoors (phần mềm cửa sau), spyware (phần mềm gián điệp) và nhiều dạng khác. Vì thế, ông khẳng định MacOS vẫn có thể dính virus, do hệ điều hành này từng bị phát hiện các chủng loại mã độc khác nhau. Chỉ riêng năm 2012, đã có 11 loại mã độc được phát hiện trên hệ điều hành này.
Không có nhiều loại mã độc trên MacOS
Người dùng sẽ vô tình cài vào máy các PUP nếu làm theo những cảnh báo hiện trên trình duyệt. Ảnh: Malwarebytes.
Theo Thomas, việc dính mã độc trên MacOS là rất hiếm. Số liệu của Net Market Share cho thấy thị phần của MacOS trên thị trường chỉ chiếm 6,19%, trong khi hệ điều hành Windows chiếm 91,76%. Sẽ dễ hiểu khi tin tặc chọn viết mã độc tấn công vào hệ điều hành có nhiều người sử dụng hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã ghi nhận được nhiều hơn các mối nguy hiểm khác không phải virus đang nhắm vào người dùng MacOS. Chúng bao gồm adware (phần mềm hiện quảng cáo) và các chương trình không mong muốn (PUP).
Adware sẽ cài vào trình duyệt người dùng công cụ tìm kiếm (search engine) của mã độc này và thêm vào đó những trang quảng cáo không mong muốn. Những máy tính nhiễm adware sẽ trở thành công cụ giúp các bên thứ 3 gian lận quảng cáo hay công cụ tìm kiếm.
Song song với adware, PUP là các chương trình không mong muốn xuất hiện trên máy tính. Chúng có thể được gắn các tên gọi như phần mềm giám sát con trẻ, quét dọn rác máy tính hay thậm chí là phần mềm diệt, chống virus.
Những mối nguy hiểm này dù không thực sự gây hại cho máy tính nhưng vẫn chứa nguy cơ tiềm ẩn. Vào năm 2015, một dạng PUP có liên quan đến phần mềm MacKeeper được phát hiện đã tạo lỗ hổng trên các máy tính Mac cài chương trình này.
MacOS bảo mật tốt hơn Windows
MacOS hiện tại vẫn có ít mối đe dọa hơn so với đối thủ Windows. Nhiều loại mã độc khác nhau chạy trên Windows vẫn được phát hiện hàng ngày, nhưng khác với đó, chỉ cần một loại mã độc mới xuất hiện trên MacOS, người ta sẽ tốn cả tháng để giải quyết nó, Thomas nói.
Dù khó có thể chỉ ra khác biệt rõ ràng giữa hệ thống bảo mật của MacOS và Windows, hệ điều hành có logo trái táo này vẫn có xu hướng an toàn hơn khi thống kê các mối đe dọa thực sự.
MacOS có sẵn một phần mềm chống mã độc
Đây là phần mềm mang tên XProtect, được mặc định ẩn đi và không thể tắt. Nó sử dụng những ký hiệu nhận dạng (signatures) để nhận biết các mã độc khi người dùng mở chạy một phần mềm. Nhưng XProtect chỉ có thể chặn được malware và các mã độc từng được biết đến, do đó lời khuyên từ Thomas là người dùng không nên quá tin tưởng vào XProtect.
Bên cạnh đó, các tín đồ Mac có thể sử dụng thêm phần mềm chống mã độc như ESET Cyber Security, Kaspersky Internet Security hay F-Secure Anti-Virus.
Theo Zing.vn