Không hướng đến nhiều chức năng mà khách hàng không cần, cũng không đặt mục tiêu tiến ra thế giới khi chưa phục vụ tốt nhu cầu trong nước, những gì KiotViet đang thực hiện là trung thành với những gì cơ bản mà mọi người dùng đều muốn có ở một ứng dụng bán hàng.
Ảnh minh họa.
Theo thống kê của Niesel hiện nay Việt Nam đang có khoảng 1,3 triệu cửa hàng bán lẻ. Trong khi đó, hầu hết các cửa hàng này đến nay vẫn hoạt động theo mô hình quản lý kiểu cũ với sổ sách. Hiện đại hơn là Excel, còn với những cửa hàng quy mô siêu nhỏ thì việc ghi chép hoạt động còn sơ sài hơn nữa.
Thời điểm năm 2013, thị trường lúc đó có chỉ có các phần mềm bán hàng phục vụ đối tượng là các hệ thống bán lẻ lớn với mức giá khá cao. Các cửa hàng và doanh nghiệp nhỏ khó mà tìm được giải pháp nào phù hợp với mình. Nhận ra nhu cầu của người dùng trong vài năm tới cần một phần mềm bán hàng, Citigo quyết định đưa ra một sản phẩm mới, mang thương hiệu của mình, hướng đến khách hàng trong nước và KiotViet ra đời.
Tối giản để dễ sử dụng
Với kinh nhiệm đã có sau quá trình làm gia công phần mềm cho các đối tác quốc tế, phiên bản 1 của KiotViet đã ra đời và có khoảng 100 khách hàng đầu tiên. Thế nhưng đây cũng chính là lúc sự khác nhau giữa lập trình viên và người kinh doanh được bộc lộ. Mặc dù công nghệ không phải là vấn đề lớn nhưng nghiệp vụ và kỹ thuật cần thiết cho bán hàng của đội ngũ phát triển lúc đó còn rất kém.
Tới phiên bản sau đó, KiotViet đã cùng làm việc với các chuyên gia bán lẻ và phân tích nhu cầu của người dùng để hoàn thiện sản phẩm.
Chức năng bán hàng của KiotViet có vẻ khá đơn giản nhưng đây là những gì người dùng hay sử dụng
Về cơ bản, KiotViet sử dụng công nghệ điện toán đám mây để mang đến cho người dùng khả năng quản lý bán hàng. Như vậy thông qua giao diện web, nhân viên có thể thực hiện thao tác bán hàng, in hóa đơn và nhập các thông tin khách hàng. Trong khi đó chủ cửa hàng có thể nắm được tình trạng bán của mọi sản phẩm, và có được báo cáo ở mọi thời điểm.
Khác với các ứng dụng khác trên thị trường, KiotViet tùy biến phiên bản ứng dụng của mình theo từng ngành hàng mà khách hàng lựa chọn. Ví dụ như với ngành nhà hàng, ứng dụng cho phép nhân viên phục vụ chọn món cho khách hàng qua máy tính bảng và yêu cầu sẽ được chuyển xuống bếp thì ngành kinh doanh smartphone sẽ là quản lý sản phẩm theo số imei và có mục thời gian bảo hành.
Các chức năng của KiotViet khá đơn giản và chỉ mất khoảng 1 tiếng để người sử dụng có thể thao tác tốt với ứng dụng. Nhưng vì đơn giản nên mọi chức năng trong KiotViet hiện nay đều ở mức cơ bản. Các tiện ích như quét mã vạch bằng camera của smartphone hay theo dõi vận chuyển hàng đều không xuất hiện.
Người dùng có thể kiểm tra báo cáo bán hàng bất kỳ lúc nào
Về điều này, đại diện KiotViet chia sẻ: 'Phân khúc khách hàng hiện nay của chúng tôi là các cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ. Phần đông trong số các khách hàng này là các bà, các cô không có nhiều kiến thức về tin học. Do vậy, ứng dụng phải đảm bảo đơn giản nhất để mọi khách hàng đều có thể sử dụng. Ngoài ra đối với chức năng đơn giản như giao nhận, chỉ có 20 trên tổng số 4 nghìn khách hàng sử dụng. Cái khách hàng cần nhất là các chức năng quản lý kho, báo cáo bán hàng phải ổn định'.
Tập trung cho 'sân nhà'
Trên thị trường hiện nay, mặc dù có khá nhiều lựa chọn về các giải pháp phần mềm bán hàng nhưng con số cửa hàng sử dụng các phần mềm bán hàng đến nay vẫn còn rất ít. Khi số lượng các phần mềm trên thị trường nhiều hơn lúc đó sẽ là lúc nhu cầu của thị trường sẽ lớn hơn.
Ngay cả khi các sản phẩm quốc tế muốn thâm nhập thị trường Việt Nam, yếu tố gây khó khăn cho họ là bản địa hóa phần mềm của mình để phù hợp với các khách hàng trong nước. Ngoài ra còn có vấn đề ngoại ngữ và trình độ tin học của người dùng.
'Mục tiêu của chúng tôi trong năm 2016 là có 20.000 cửa hàng trả phí. Chúng tôi có thể đạt con số lớn hơn tuy nhiên cả hạ tầng và nhân sự cũng phải phát triển kịp để đảm bảo dịch vụ cho khách hàng'.
Trong năm 2015, KiotViet đã nhận được khoản đầu tư khá lớn từ Seedcom. So với các startup hiện nay, Citigo có lợi thế về kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp. KiotViet cũng đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Định hướng rõ ràng của doanh nghiệp cũng như minh bạch mọi hoạt động với các bên liên quan cũng là điểm mạnh để thu hút đầu tư.
Những chức năng hiện tại của ứng dụng về cơ bản đã là đầy đủ nhưng vẫn cần hoàn thiện thêm để đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng lớn của người dùng. Trong tương lai KiotViet đang tập trung đi sâu hơn vào các ngành hàng cũng như hỗ trợ tốt cho người dùng để trở thành phần mềm bán hàng được sử dụng nhiều nhất Việt Nam.
TÙNG LINH