Ông Nguyễn Kim Hòa - Giám đốc phụ trách Bộ phận Công nghệ và Hệ thống, IBM Việt Nam nhận định: Sự bùng nổ của dữ liệu (đến từ nhiều nguồn khác nhau) đang khiến cho các doanh nghiệp, tổ chức phải đối mặt với hàng loạt hạn chế như việc xử lý thông tin không chính xác, khả năng và thời gian đưa ra thị trường các quyết định kinh doanh, sản phẩm, giải pháp mới bị chậm, thậm chí là trì hoãn.
Dù vậy, nếu so với thời điểm cách đây khoảng 1 năm thì hiện nay mức độ quan tâm đến ứng dụng các giải pháp công nghệ trong phân tích, xử lý Big Data của doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam đã có nhiều tiến triển. Họ đã bắt đầu tìm hiểu và liên hệ với IBM để cùng IBM nghiên cứu, phân tích và đưa ra các giải pháp hợp lý nhất.
Theo quan điểm của chuyên gia Nguyễn Kim Hòa, khối doanh nghiệp đang phải đối mặt nhiều với Big Data như tài chính ngân hàng, viễn thông là khối có nhận thức tốt, triển khai sớm hơn cả.
Lý do một phần là lãnh đạo của doanh nghiệp này đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc phải quản lý được khối lượng dữ liệu lớn, đồng thời điều kiện về ngân sách cũng là một yếu tố giúp họ dễ triển khai hơn so với các khối doanh nghiệp khác.
Và trước thực tế Việt Nam đang có tới hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ như hiện nay, trên cơ sở nghiên cứu thực tế thị trường, thời gian qua IBM đã tung ra nhiều giải pháp có thể hỗ trợ doanh nghiệp mọi quy mô, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có thể tháo gỡ khó khăn.
Đáng chú ý, trong nỗ lực mang đến các giải pháp công nghệ tối ưu cho doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam mọi quy mô, thời gian qua IBM đã tung ra nhiều giải pháp. Mới đây nhất, tại TechExpo 2013 diễn ra giữa tháng 5/2013 tại Hà Nội, IBM đã công bố 8 thế hệ máy chủ Power Systems, 3 hệ thống PureSystems và các hệ thống lưu trữ mới nhất được thiết kế dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các thị trường đang phát triển như Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp khai thác được những năng lực từ dữ liệu lớn.
'Nhắc đến Big Data hay các giải pháp thuộc khuynh hướng Smarter Computing, IBM không đơn thuần là bán các giải pháp hay sản phẩm, mà còn là cùng doanh nghiệp giải quyết các bài toán mà họ sẽ gặp phải khi phải đối mặt với Big Data', ông Nguyễn Kim Hòa nói.
Phân tích thêm, ông Nguyễn Kim Hòa nhấn mạnh mức đầu tư ban đầu cho từng doanh nghiệp là rất khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, yêu cầu và thực trạng hệ thống CNTT hiện tại của khách hàng.
Tuy nhiên, một doanh nghiệp, dù ở quy mô nào và có mức đầu tư ra sao đều có thể từng bước triển khai công nghệ của IBM. IBM có thể cung cấp cho một doanh nghiệp trọn gói hoặc từng giai đoan như tư vấn, khảo sát, xây dựng, triển khai, duy trì và cung cấp các dịch vụ công nghệ khác cho khách hàng', ông Hòa nói.
Hiện nay, IBM đang có nhiều khách hàng tại Việt Nam ứng dụng các giải pháp công nghệ của hãng nhằm nâng cao hoạt động kinh doanh.
Ví dụ, ngân hàng SHB với gần 5.000 nhân viên và mạng lưới hoạt động kinh doanh gồm 317 chi nhánh, phòng giao dịch khắp các tỉnh thành phố Việt Nam cùng 2 chi nhánh tại Lào và Campuchia ứng dụng giải pháp máy chủ IBM Power Systems tích hợp tính năng ảo hóa, giải pháp lưu trữ IBM System Storage kèm phần mềm quản trị sao lưu IBM Tivoli.
Ngân hàng VietinBank đã lựa chọn máy chủ mainframe IBM System z10 BC để hỗ trợ việc mở rộng các hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn cho tiền gửi và các giao dịch chuyển tiền, nhằm duy trì và đẩy mạnh đà tăng trưởng; hệ thống siêu thị Nguyễn Kim đã lựa chọn hệ thống lưu trữ đĩa tầm trung IBM Storwize V7000 để đẩy mạnh năng suất hoạt động.
Ngoài ra, trong đợt bầu cử năm 2011, TP.HCM đã đi tiên phong trong việc thí điểm áp dụng mô hình điện toán đám mây của IBM trong việc chuyển kết quả và những con số về hệ thống trung tâm, giúp rút ngắn đáng kể thời gian, công sức và có kết quả bầu cử nhanh nhất.