Microsoft mong muốn sẽ một lần nữa đi trước thời đại như đã từng làm với MS-DOS. Chỉ có điều, lần này chính gã khổng lồ phần mềm sẽ thay thế vị trí của IBM.
Quyết định giúp cho Bill Gates 'đổi đời'
Có lẽ, quyết định quan trọng nhất và khôn ngoan nhất của Bill Gates trong suốt cuộc đời của ông là vào năm 1980, khi nhà sáng lập của Microsoft từ chối bán bản quyền của MS-DOS cho IBM.
Lúc đó, khi chuẩn bị sản xuất ra chiếc PC đầu tiên của mình, IBM gặp phải một vấn đề lớn: thời hạn đã sắp đến gần nhưng vẫn chưa tìm được hệ điều hành phù hợp. 'Gã khổng lồ xanh' bèn tìm đến một công ty mới khởi nghiệp có tên là 'Microsoft' để viết ra phiên bản DOS cho chiếc IBM PC. Một năm sau, chiếc máy tính này ra đời và nhanh chóng vượt mặt chiếc Apple II đình đám để trở thành sản phẩm máy tính cá nhân được ưa chuộng nhất trên thị trường.
Không mấy ngạc nhiên, các đối thủ cạnh tranh của IBM bèn tìm cách phát triển ra các mẫu PC 'tương thích với IBM' của riêng họ, những cỗ máy có thể chạy cùng một hệ điều hành và sử dụng các link kiện phần cứng nâng cấp giống như IBM PC.
Nhưng, để có thể copy được IBM PC, họ cần có MS-DOS. Nếu muốn mua MS-DOS, điều họ cần làm hiển nhiên là trả tiền cho Microsoft. Để giữ lại bản quyền của hệ điều hành này, Bill Gates và cộng sự đã từ chối các khoản ăn chia theo tỉ lệ từ phía IBM. Từ chính thời điểm này, Microsoft trở thành tâm điểm của cuộc cách mạng PC, kéo dài từ thời kỳ MS-DOS cho đến khi Windows bùng nổ. IBM thì giờ đây đã từ bỏ thị trường phần cứng PC sau khi bán lại toàn bộ mảng này cho Lenovo (Trung Quốc) vào đầu thập niên 2000.
Trải qua 36 năm kể từ khi IBM PC ra đời, thị trường điện toán cá nhân đã thay đổi rất nhiều. Ngay cả Microsoft cũng đã để mất vị thế thống trị của mình vì không thể bắt kịp cuộc cách mạng di động do Apple và Google khởi xướng.
Đó chính là lý do vì sao mà Microsoft, vốn luôn bày tỏ tham vọng thống trị thị trường dịch vụ đám mây, bỗng dưng lại đầu tư tích cực vào các sản phẩm phần cứng như HoloLens và Surface. Lần này, một chiếc IBM PC sẽ không xuất hiện, và Microsoft sẽ phải tự tạo ra một nền tảng phần cứng cho riêng mình.
Để sai lầm lại phía sau, hướng tới tương lai
iPhone và Android đã tạo ra thế gọng kìm trên thị trường di động. Apple tận dụng thành công trên phân khúc cao cấp để trở thành công ty có trị giá lớn nhất thế giới, còn Android thì lấp đầy thị trường trên tất cả các phân khúc.
Microsoft đã bỏ lỡ cơ hội trên mảnh đất di động. Nhìn về phía trước, bài toán của Microsoft là liệu có nên tiếp tục đổ tiền đầu tư vào mảng kinh doanh Windows Phone thất bại hay là bỏ qua thị trường này và cố gắng tạo ra cuộc cách mạng tiếp theo cho thế giới?
Thực chất, Microsoft đã liên tục cố gắng tạo ra một sản phẩm đột phá. Năm 2012, Microsoft tạo ra chiếc Surface, mẫu tablet đầu tiên của hãng. Chiếc Surface Pro nối tiếp với triết lý tablet lai laptop, và đến năm vừa rồi thì Microsoft ra mắt mẫu laptop hoàn chỉnh đầu tiên, Surface Book.
Nhưng chiếc kính HoloLens của Microsoft có lẽ sẽ thu hút sự chú ý đông đảo hơn cả. Nếu phát triển thành công, HoloLens sẽ là chiếc kính tăng cường thực tại (AR) đầu tiên được phát hành tới đông đảo công chúng. Công nghệ thiết lập các thành phần đồ họa lên trên chính môi trường thật của HoloLens đã khiến cho nhiều người cảm thấy kinh ngạc.
Điểm chung quan trọng nhất giữa Surface và HoloLens là chúng đều đang trở thành khuôn mẫu cho các đối thủ/đối tác của Microsoft học hỏi. Samsung, HP, Dell, Acer… đều đã có thiết bị lai như Surface, trong khi ASUS và có lẽ là cả Intel đang cố gắng tạo ra bản sao của HoloLens.
Trong tất cả các trường hợp này, các 'bản sao' từ sản phẩm tiên phong của Microsoft đều chạy Windows 10. Do đó, ngay cả khi không bán được phần cứng, Microsoft vẫn có thể gia tăng tầm phủ sóng cho hệ điều hành chủ đạo của mình. Surface và HoloLens có tiềm năng trở thành chuẩn mực mới của thế giới điện toán cá nhân trong khi không cần phải là dòng sản phẩm bán chạy nhất.
Kịch bản đó đã từng xảy ra vào năm 1970.
Đòn bẩy cho tương lai
Thử thách lớn nhất với Microsoft là quá trình phát triển thiết bị máy móc phức tạp sẽ đem đến lợi nhuận rất thấp cho các ngành tham gia. Việc lắp ráp một chiếc máy tính, một chiếc kính thực tại ảo hay một chiếc xe hơi cũng đều đòi hỏi nhiều công sức lao động, thời gian và rất nhiều linh kiện chuyên biệt. Dell chỉ đạt lợi nhuận biên 3%, Ford đạt 7%.
Ngược lại, thế mạnh lớn nhát của Microsoft là tỷ suất lợi nhuận của ngành phần mềm sẽ cao hơn ngành phần cứng. Năm 1999, trên đỉnh vinh quang, lợi nhuận biên của Microsoft đạt tới 51,7%. Sự khôn ngoan của Microsoft là ở chỗ hãng này thống trị thị trường phần mềm màu mỡ, còn các đối tác như IBM, Dell, HP và Compaq thì phải tự phát triển những chiếc PC. Cuối cùng, bất kể giá thành của một chiếc máy tính cá nhân là bao nhiêu, các nhà sản xuất vẫn sẽ phải bỏ ra một đống tiền để mua bản quyền Windows.
Do đó, rất có thể là Microsoft không coi công cuộc phát triển phần cứng là một yếu tố tối quan trọng cho tương lai của công ty khi so sánh với các mảng làm ăn như Windows và Office. Trong khi Surface có doanh số tốt, Xbox One vẫn đang trên đà tăng trưởng, nhưng thông điệp mà Microsoft vẫn luôn tìm cách nhấn mạnh là tương lai thuộc về Windows 10 cùng các dịch vụ đám mây do công ty này cung cấp.
Do đó, trong khi Microsoft sẽ không ngừng phát triển các mảng phần cứng (miễn là chúng tiếp tục kiếm được tiền), rõ ràng là gã khổng lồ phần mềm chỉ muốn sử dụng các thiết bị của mình làm đòn bẩy cho tương lai.
Microsoft cũng sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh nguy hiểm, đặc biệt là trên mảng AR. Ví dụ, Magic Leap, một startup có sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính, hiện đã sở hữu nhiều công nghệ ấn tượng không đòi hỏi Windows 10 hay các dịch vụ của Microsoft. Nhưng, nếu như gã khổng lồ phần mềm có thể đánh bại các đối thủ này, thập niên 1980 sẽ trở lại. Microsoft sẽ một lần nữa là tâm điểm của một cuộc cách mạng điện toán.