Con số này nghe có vẻ phũ phàng nhưng lại là thực tế rút ra sau khi nghiên cứu hơn 125 triệu máy di động và rất nhiều ứng dụng có trên 10.000 lượt tải của Google Play Store.
Chẳng còn nghi ngờ gì, ứng dụng đương nhiên là tương lai của ngành di động. Ứng dụng đã trở thành một trong những phương thức chính để chúng ta kết nối ý tưởng với nhau và với thế giới. Xu hướng này không chỉ được dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai mà ngay lúc này ứng dụng đã là một thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Bài viết đăng tải trên website của một nhà phân tích tại Thung lũng Silicon, ông Andrew Chen cho biết chỉ 3 ngày kể từ khi cài đặt, một ứng dụng trung bình mất đi 77% số người sử dụng. Sau 1 tháng, 90% số người tải ngừng sử dụng ứng dụng đó hoàn toàn. Trong vòng 90 ngày, chỉ còn lại 5% số người tải về tiếp tục dùng ứng dụng đó. Những con số này đồng nghĩa với việc các nhà phát triển ứng dụng phải đảm bảo rằng người sử dụng vẫn tiếp tục kết nối (nhưng không bị làm phiền) với ứng dụng của mình kể từ phút đầu tiên cho đến 3 tháng tiếp theo kể từ khi tải về.
Ông Chen thu được dữ liệu này từ 125 triệu máy di động, và những ứng dụng ông nghiên cứu đều có hơn 10.000 lượt tải trên Google Play Store. Trong nghiên cứu này, ông Chen chỉ tập trung vào các ứng dụng của Google mà thôi. Một trong những kết luận ông thu được từ dữ liệu của mình đó là: các ứng dụng được sử dụng trong thời gian dài hơn thì thường có xu hướng khuyến khích sự tương tác liên tục của người sử dụng chứ không gửi cho người sử dụng những lời nhắn kiểu như “Chúng tôi nhớ bạn”. Những ứng dụng thành công nhất là những ứng dụng khiến người sử dụng phải dùng nó theo một thói quen hoặc khung thời gian nhất định trong ngày và cảm thấy không thể chịu nổi nếu thiếu nó.
Nói cho vui thì chuyện này cũng giống như việc bạn cố gắng níu kéo cô người yêu cũ vậy. Nếu liên tục gửi những thông điệp kiểu như “Anh nhớ em” thì cũng sẽ chỉ thất bại mà thôi. Tốt nhất là hãy làm thế nào để khiến cô ấy cảm thấy không thể sống thiếu bạn.