Ngày hôm qua, nhiều người dùng facebook Việt đồng loạt 'bị lừa' chia sẻ hình ảnh xe Mercedes Benz E-class với mong muốn sở hữu được chiếc xe này.
Hàng chục nghìn người sập bẫy lừa đảo
Những tưởng, các mẩu tin lừa đảo theo dạng 'share để nhận ngay iPhone 6 s' hay 'share để nhận ngay xe Mercedes Benz E-class' đã chẳng còn đất sống. Thế nhưng lại một lần nữa, cộng đồng mạng Việt Nam lại sôi sục về những mẩu tin lừa đảo như thế này.
Ngày hôm qua 5/3, fanpage có tên Mercedes Benz 2016 đã chia sẻ những bài đăng tặng miễn phí các phần quá đắt tiền cho các cư dân mạng có like facpage, chia sẻ, cũng như bình luận trong bài viết đó.
Trang này còn cho biết, họ sẽ bốc thăm ngẫu nhiên và trao quà vào ngày 8/3. Hiện giá một bản Mercedes-Benz E Class từ 2 đến 2,8 tỷ đồng.
Và cư dân mạng một lần nữa không nhận ra chiêu trò lừa đảo quen thuộc...Những lời đường mật này đã đánh trúng vào tâm lý nằm chờ ăn sẵn, chẳng làm gì cũng có xe đẹp.
Ngay lập tức, những bài viết 'chẳng làm gì cũng có quà tặng miễn phí' được chia sẻ rần rần trên mạng xã hội Facebook. Đáng chú ý hơn, hầu hết các chia sẻ của cư dân mạng Việt Nam đều xoay quanh vấn đề 'Dẫu biết là khó trúng nhưng cứ share để thử vận may mới được'.
Tính đến 0h ngày 6/2, đã có 50.000 lượt thích fanpage này và hơn 55.000 người chia sẻ bức ảnh lên trang cá nhân với hy vọng trúng xe.
Người dùng Việt Nam đã bị lừa
Liên quan đến sự việc này, bộ phận Truyền thông Mạng xã hội của Mercedes-Benz cho biết, đây không phải là chương trình của họ. Đại diện Mercedes-Benz cảnh báo, có rất nhiều trang trên Facebook thông báo tặng xe miễn phí, tuy nhiên 'chúng tôi khuyến cáo người dùng nên cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên các kênh trực tuyến'.
Theo số liệu từ Facebook, fanpage này được khởi tạo hôm 28/2. Bức ảnh lừa trúng giải trên là nội dung đầu tiên được đăng tải trưa 5/3.
Sự ngây thơ của cư dân facebook đang làm giàu cho những kẻ lừa đảo
Theo một chuyên gia mạng xã hội tại TP HCM, hình thức lừa để câu like này khá phổ biến trên Facebook. Ban đầu, chủ trang sẽ tạo nội dung tặng quà miễn phí, đòi hỏi người dùng like trang của họ. Khi có số lượng 'thích' lớn, các post trên có thể bị xóa để biến thành một fanpage 'sạch', phục vụ các mục đích khác.
'Để đưa một trang Facebook có hàng chục nghìn người like trong thời gian ngắn hiện rất khó, hoặc tiêu tốn nhiều tiền bạc vì mạng xã hội lớn nhất thế giới thay đổ cơ chế so với trước. Do đó, lừa đảo câu like là cách kiếm người dùng nhanh nhất', vị này cho biết.
Cộng đồng mạng có thể chẳng mất gì, nhưng lại đang tiếp tay cho những kẻ làm giàu bất chính.
Like và share để trúng ngay xế xịn
Hãy tỉnh táo, đừng để bị lừa
Trước khi quyết định nhấn like, share hay bình luận về một chương trình quà tặng hấp dẫn như vậy, hãy tập trung chú ý các dấu hiệu sau.
- Các fanpage câu like, câu share theo kiểu công nghiệp thường đặt tên theo các thương hiệu lớn. Như 'Mercedes Benz 2016.' hay 'Apple Iphone 6s.' là một ví dụ. Tuy nhiên, do đây là các trang không minh bạch, nên người đứng đằng sau thường phải đặt tên gọi khác đi so với thương hiệu chuẩn, như thêm năm (2016) hay thêm dấu chấm.
- Để xác định đây có phải là một fanpage uy tín hay không, chúng ta có thể dựa vào dấu tích màu xanh đặt ở phía sau cùng của tên trang. Nếu có dấu tích này, nghĩa là fanpage đã được chính Facebook xác thực (Verify), bạn có thể phần nào tin tưởng.
- Cuối cùng, nếu một fanpage thực sự uy tín, chúng ta có thể dựa vào mốc thời gian hoạt động của họ. Thường các fanpage dạng 'ăn sổi' câu like, câu share chỉ có thời gian hoạt động rất ngắn, từ vài giờ cho tới vài ngày. Trong khi đó, các fanpage uy tín thì đã tồn tại được cả năm trời.