Quá tải hạ tầng
Báo cáo 'Mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM' vừa được Nielsen công bố, cho thấy tỷ lệ người dùng 3G trong năm 2012 đã tăng xấp xỉ 5 lần so với năm 2011, đạt 20 triệu thuê bao. Con số này hứa hẹn sẽ tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới. Không chỉ số lượng người dùng 3G tăng lên, nhu cầu trải nghiệm dịch vụ của người dùng cũng đòi hỏi khắt khe và cao hơn.
Nhiều dự báo cho thấy trong thời gian ngắn tới sẽ có không ít sự bắt tay, hợp tác giữa các nhà mạng vớicác OTT để cùng tận dụng thế mạnh của mỗi bên và cùng chia sẻ lợi nhuận.
Nếu như trước đây họ chỉ cần các trang wap (dạng text) để tiết kiệm băng thông, thì nay yêu cầu phải có một trang web đủ cả ảnh, thậm chí cả video. Không chỉ tăng mạnh về số lượng thuê bao, khối lượng dữ liệu tại Việt Nam trong năm 2012 cũng tăng 5 lần so với năm ngoái.
Nếu năm 2011, người dùng chỉ mới sử dụng khoảng 20-30% công suất các trạm BTS 3G do nhà mạng triển khai, năm 2012 tỷ lệ này đã tăng lên tới 40-50%. Chính tốc độ phát triển quá nhanh này đã khiến các nhà mạng 'mừng chưa qua, lo đã tới'.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) Lê Nam Thắng, việc bùng nổ về số lượng người dùng trong khi công suất mạng chưa bắt kịp, đã dẫn tới tình trạng dù nhà mạng cố gắng đầu tư cải tiến chất lượng mạng nhưng người dùng vẫn cảm thấy chưa hài lòng.
Vì thế, theo cảnh báo của một số chuyên gia nước ngoài, nếu các nhà mạng chuẩn bị không tốt và không có các biện pháp phòng trợ, khi công suất khai thác mạng 3G lên đến 70-80%, việc quá tải là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong khi đó, để thay đổi chiến lược 3G tại Việt Nam đối với các nhà mạng không hề dễ dàng. Bởi lẽ mạng 4G sớm nhất cũng phải sau năm 2015 mới được triển khai, trong khi những giải pháp để tối ưu hóa băng thông vẫn mới chỉ ở giai đoạn bàn tính.
Sự bùng nổ của người dùng 3G ngoài việc khiến các nhà mạng 'mướt mồ hôi' chạy theo, còn khiến nhiều ông lớn viễn thông điêu đứng vì dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí. Những ứng dụng từ giải pháp OTT (giải pháp cung cấp nội dung cho người dùng dựa trên nền tảng internet) như Line, Zalo, Viber, KaKao Talk… đang được người tiêu dùng hồ hởi đón nhận, đã khiến các mạng viễn thông thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.
Thậm chí, đã có thời điểm doanh thu của các nhà mạng lớn như MobiFone, VinaPhone và Viettel sụt giảm 30-40% do các dịch vụ OTT. Thống kê của MobiFone cho thấy trung bình mỗi ngày có tới 280.000 cuộc gọi, 8,7 triệu tin nhắn qua Viber, chưa kể các dịch vụ khác.
Trong 5 năm tới, dịch vụ dữ liệu mới là dịch vụ chính và là nguồn thu chính của các DN, chứ không phải là dịch vụ thoại, thậm chí người dùng 3G có thể được miễn cước cuộc gọi. Chính vì vậy, cùng với sự phổ biến của 3G, 'cơn bão' OTT cũng theo đó đổ bộ, đưa người dùng đến những trải nghiệm hoàn toàn mới.
Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ TT-TT
Mối nguy này còn hiển hiện hơn khi số người tiêu dùng gia nhập mạng lưới OTT ngày càng tăng nhanh. Tại Việt Nam, Viber công bố đã có 3,5 triệu người dùng vào đầu tháng 3, còn Line, KaKao Talk… cũng đang chạy đua quyết liệt để có thể chạm mốc 2 triệu người dùng.
Với tốc độ này, những mạng viễn thông lớn như Viettel, MobiFone, VinaPhone đang đứng trước nguy cơ trắng tay trong thu cước tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM.
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), hạ tầng băng thông di động ở Việt Nam phát triển mạnh cùng với giá thiết bị smartphone ngày càng rẻ, đã dẫn đến sự phát triển mạnh của các dịch vụ OTT mới như nhắn tin, gọi điện, chia sẻ hình ảnh miễn phí qua internet. Vấn đề này đã tác động nhất định đến thị trường dịch vụ viễn thông.
Theo nhiều chuyên gia, với sự phát triển mạnh mẽ của 3G và điện thoại smartphone, dịch vụ OTT sẽ còn bùng nổ trong thời gian tới và nhanh chóng lan tỏa ra các tỉnh, thành phố khác và các nhà mạng muốn hạn chế dịch vụ này cũng rất khó can thiệp, dù có 'quyền sinh quyền sát'.
Thậm chí, việc một số nhà mạng điều chỉnh tăng giá gói cước 3G mới đây – mà theo nhiều phỏng đoán để bù đắp thiệt hại do OTT gây ra – cũng đã bị không ít người tiêu dùng phản ứng quyết liệt.