Các nhà phân tích cho rằng gã khổng lổ mạng xã hội này sẽ phải đánh đổi rất nhiều nếu muốn thỏa thuận với Trung Quốc, và chỉ kiểm duyệt không thì có vẻ là chưa đủ.
Nhiều người đã tin tưởng rằng Facebook sẽ đoạn tuyệt với quốc gia tỷ dân, kể từ khi họ bị chặn vào năm 2009. Nguyên nhân vì Facebook là một ‘thế giới cởi mở và kết nối’, mâu thuẫn với mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là muốn kiểm duyệt các nội dung trên internet.
Tuy vậy, những dự đoán trên có thể sai, khi mới đây, những phát hiện từ tờ New York Times cho thấy, Facebook đang phát triển một chương trình nhằm hạn chế những câu chuyện hiển thị trong nguồn cấp tin tức dựa trên vị trí địa lý của người dùng.
Facebook bị kiểm duyệt?
Theo thông tin từ ba nhân viên và cựu nhân viên giấu tên của Facebook cho hay, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã âm thầm phát triển phần mềm để ngăn chặn các bài viết xuất hiện trên News Feed của người dùng tại các khu vực địa lý khác nhau.
Điều đáng chú ý là Mark Zuckerberg đã lên tiếng ủng hộ và bảo vệ cho công cụ này và tuyên bố, Facebook là công ty công nghệ chứ không phải là một công ty truyền thông!
Tin đăng trên New York Times cho biết, mặc dù Facebook đã phát triển công cụ mới, song hãng vẫn chưa có ý định tự chặn các bài đăng. Thay vào đó, Facebook sẽ cung cấp phần mềm để cho phép một bên thứ ba – mà trong trường hợp này có thể là một đối tác Trung Quốc – theo dõi các chủ đề và bài đăng nổi tiếng, thu hút sự tương tác và chú ý khi người dùng chia sẻ trên Facebook. Sau đó, đối tác của Facebook sẽ có toàn quyền quyết định xem những bài viết đó có được phép hiển thị trên News Feed của người dùng Facebook hay không.
Được biết, hiện tại, các nhân viên của Facebook đã có thể nhìn thấy phần mềm của công cụ này trong hệ thống nội bộ. Đây chỉ là một trong nhiều thử nghiệm mà Facebook đang cân nhắc trong nỗ lực mở cánh cửa thị trường Trung Quốc.
Nếu công cụ này và việc kiểm soát thông tin là có thật, thì việc tìm kiếm những tin tức liên quan đến vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, cuộc đàn áp môn tu luyện Pháp Luân Công, các tin liên quan đến nạn cướp nội tạng tại nước này, v.v… sẽ không có kết quả. (Ảnh: Facebook)
Tuy nhiên, một số nhân viên Facebook chịu trách nhiệm về công cụ nói trên đã tỏ ra phẫn nộ với kế hoạch xây dựng kiểm duyệt của công ty và ngay lập tức nghỉ việc sau khi bày tỏ lo ngại về dự án, tờ New York Times cho hay.
Thông tin trên bị rò rỉ trong thời điểm Facebook đang chịu nhiều sự chỉ trích của dư luận về việc không kiểm soát được các tin tức giả mạo được lan truyền trên mạng xã hội này và làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa diễn ra.
Facebook chỉ đang cố gắng xây dựng công cụ giúp loại bỏ tin giả mạo kịp thời?
Đáp lại những lời chỉ trích, CEO Mark Zuckerberg đã cho biết Facebook đang xây dựng những công cụ mới để nhận diện các tin tức giả mạo và loại bỏ chúng kịp thời.
“Tôi muốn chúng tôi tạo nên một tác động tốt trên toàn thế giới. Tôi muốn mọi người có được một sự đa dạng của thông tin”, Mark Zuckerberg tuyên bố.
Như vậy, nếu thực sự Facebook đang xây dựng một công cụ để kiểm duyệt các nội dung chia sẻ lên mạng xã hội của mình thì nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi về việc “sự đa dạng của thông tin” mà Zuckerberg đang đề cập là gì?
Hiện tại, phía Facebook cho biết “vẫn chưa có quyết định nào về việc tiếp cận Trung Quốc”, nhưng cũng không phủ định thông tin của báo New York Times.
“Chúng tôi từ lâu đã bày tỏ sự quan tâm đến Trung Quốc và dành nhiều thời gian để tìm hiểu và học hỏi nhiều hơn về quốc gia này”, phát ngôn viên của Facebook trả lời trang công nghệ The Verge. “Tuy nhiên chúng tôi hiện chưa có bất kỳ quyết định nào về cách tiếp cận của chúng tôi với Trung Quốc. Trọng tâm của chúng tôi ngay bây giờ là giúp các doanh nghiệp và nhà phát triển Trung Quốc mở rộng thị trường bên ngoài Trung Quốc bằng cách sử dụng nền tảng quảng cáo của chúng tôi”.
Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho phép các trang mạng xã hội trong nước đăng tải bức ảnh ông này gặp gỡ Mark Zuckerberg – nhà sáng lập Facebook. (Ảnh: Nytimes)
Được biết, trong những năm gần đây, Zuckerberg đã có nhiều nỗ lực để tạo dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch nước này là Tập Cận Bình, giao lưu với sinh viên đại học và dành thời gian để học tiếng Trung. Đây rõ ràng là một động thái cho thấy: Facebook rất có thể sẽ trở lại Trung Quốc trong tương lai không xa!
Phong Vân