The Intercept dẫn lời một số nguồn tin thân cận với Google, cho thấy công ty này đang chuẩn bị ra mắt một phiên bản Google Search dành riêng cho thị trường Trung Quốc vào năm 2019, cho phép chính quyền nước này kiểm duyệt kết quả tìm kiếm.
Năm 2010, dù đã có nhiều nỗ lực kiểm duyệt nhưng Google vẫn phải rời khỏi Trung Quốc. Ảnh: Getty.
'Google Search phiên bản Trung Quốc' được cho là sẽ chặn các dịch vụ phương Tây bị cấm nước này gồm Facebook, Twitter và Instagram. Bên cạnh đó, người dùng Trung Quốc sẽ không thể tìm kiếm các nội dung 'nhạy cảm', chẳng hạn như Thiên An Môn. Ngoài ra, các tờ báo nước ngoài như New York Times, BBC cũng không xuất hiện.
“Chúng tôi cung cấp một số ứng dụng dành cho thiết bị di động ở Trung Quốc chẳng hạn như Google Translate và Files Go. Chúng giúp ích cho các nhà phát triển Trung Quốc và thu hút đầu tư đáng kể vào các công ty địa phương như JD.com. Tuy vậy, chúng tôi không bình luận gì về những đồn đoán', một phát ngôn viên của Google từ chối trả lời TechCrunch về nghi ngờ can thiệp nội dung tìm kiếm.
Theo một số nguồn tin nội bộ Google, công cụ tìm kiếm này có tên Dragonfly. Bên cạnh đó, trình tìm kiếm này sẽ là sản phẩm liên doanh của Google và một công ty địa phương tại Trung Quốc.
Đã có rất nhiều suy đoán trong những năm qua rằng Google sẽ quay lại Trung Quốc bằng một sản phẩm nào đó. Điều này khiến nhiều người nghĩ đến Google Play chứ không phải một công cụ tìm kiếm kiểm duyệt như Dragonfly.
Trước đó, Google đã mở một phòng thí nghiệm AI tại Bắc Kinh. Phòng thí nghiệm là một phần của kế hoạch đầu tư vào các công ty Trung Quốc bao gồm thỏa thuận 550 triệu USD với JD.com và ký kết hợp tác với Tencent.
The Intercept cho rằng những giao dịch này là bước đầu để giới thiệu Dragonfly tới 700 triệu người dùng Internet, thứ mà Google và nhiều đại gia công nghệ thèm muốn.
Một tuần trước, Facebook được chấp thuận thành lập công ty con tại Trung Quốc. Sau đó ít ngày, công ty này đã bị chính phủ tước giấy phép hoạt động. Facebook trước đây cũng từng xây dựng một công cụ có thể được kiểm duyệt tại Trung Quốc với mong muốn bước chân vào thị trường tỷ dân này.
Theo Zing News