Là mạng xã hội lớn nhất và phổ biến nhất trên toàn cầu nhưng Facebook vẫn chưa thể hoạt động tại thị trường đông dân nhất hành tinh bởi chính phủ Trung Quốc lo ngại những thông tin được chia sẻ lên mạng xã hội này nên đã cấm triệt để Facebook.
Mặc dù bị ngăn cấm nhưng những động thái của Facebook trong vài năm qua đã cho thấy mạng xã hội này rất mong muốn được đặt chân vào thị trường 1,3 tỷ dân này. Bản thân CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã rất nhiều lần ghé thăm Trung Quốc và gặp mặt với các lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình. Mark Zuckerberg cũng đã học tiếng Trung Quốc, nghiên cứu về văn hóa nước này và nhiều lần chia sẻ các thông điệp trên trang cá nhân của mình bằng tiếng Trung Quốc.
Có vẻ như Facebook đã có thêm một cách mới để giúp mạng xã hội của mình có thể đặt chân vào thị trường nước này, đó là nhượng bộ chính phủ Trung Quốc.
CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã nhiều lần ghé thăm Trung Quốc và gặp gỡ các lãnh đạo của quốc gia này, bao gồm cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Theo thông tin từ nội bộ Facebook tiết lộ với tờ The New York Times cho biết, Facebook đang âm thầm phát triển một phần mềm để ngăn chặn các bài viết xuất hiện trên bảng tin của người dùng theo từng khu vực địa lý khác nhau. Nguồn tin cho biết tính năng này được tạo ra để giúp Facebook có thể đặt chân vào thị trường Trung Quốc bởi nó giúp chính phủ nước này có thể kiểm duyệt được những nội dung không mong muốn xuất hiện trên Facebook.
Nguồn tin kể trên cũng cho biết, tính năng mới này đã gây nên những tranh cãi trong nội bộ Facebook, khi nhiều nhân viên đã rời bỏ dự án như một cách để phản đối tính năng kiểm duyệt nội dung này, tuy nhiên CEO Mark Zuckerberg lại bảo vệ cũng như hỗ trợ tính năng mới.
Trước đó Facebook cũng đã từng loại bỏ nhiều thông tin được đăng tải tại một số quốc gia khi được chính phủ các quốc gia này yêu cầu như tại Pakistan, Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ... tuy nhiên với công cụ đang được phát triển này, Facebook sẽ ngăn chặn để các nội dung không mong muốn thậm chí còn không được xuất hiện trên bảng tin của Facebook. Nguồn tin còn cho biết Facebook có kế hoạch sẽ giao lại nhiệm vụ kiểm duyệt thông tin cho một công ty bên ngoài, thay vì tự mình thực hiện điều này.
Thông tin trên bị rò rỉ trong thời điểm Facebook đang chịu nhiều sự chỉ trích của dư luận về việc không kiểm soát được các tin tức giả mạo được lan truyền trên mạng xã hội này và làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa diễn ra. Đáp lại những lời chỉ trích, CEO Mark Zuckerberg đã cho biết Facebook đang xây dựng những công cụ mới để nhận diện các tin tức giả mạo và loại bỏ chúng kịp thời.
“Tôi muốn chúng tôi tạo nên một tác động tốt trên toàn thế giới. Tôi muốn mọi người có được một sự đa dạng của thông tin”, Mark Zuckerberg tuyên bố.
Như vậy, nếu thực sự Facebook đang xây dựng một công cụ để kiểm duyệt các nội dung chia sẻ lên mạng xã hội của mình thì nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi về việc “sự đa dạng của thông tin” mà Zuckerberg đang đề cập là gì?
Tuy nhiên, trước thông tin về công cụ kiểm duyệt dữ liệu đang được bí mật xây dựng, phát ngôn viên của Facebook đã lên tiếng phủ nhận.
“Chúng tôi từ lâu đã bày tỏ sự quan tâm đến Trung Quốc và dành nhiều thời gian để tìm hiểu và học hỏi nhiều hơn về quốc gia này”, phát ngôn viên của Facebook trả lời trang công nghệ The Verge. “Tuy nhiên chúng tôi hiện chưa có bất kỳ quyết định nào về cách tiếp cận của chúng tôi với Trung Quốc. Trọng tâm của chúng tôi ngay bây giờ là giúp các doanh nghiệp và nhà phát triển Trung Quốc mở rộng thị trường bên ngoài Trung Quốc bằng cách sử dụng nền tảng quảng cáo của chúng tôi”.
Facebook đã bị cấm ở Trung Quốc từ năm 2009. Giống như nhiều hãng công nghệ lớn khác của Mỹ, Facebook cũng đang tìm mọi cách để có thể khai thác thị trường 1,3 tỷ dân này. Trước đó, Google cũng đã xây dựng một công cụ tìm kiếm riêng cho thị trường Trung Quốc để kiểm duyệt những nội dung mà chính phủ nước này không muốn được tìm thấy nhưng sau đó cũng đã buộc rút khỏi Trung Quốc vào năm 2010 khi hứng chịu hàng loạt vụ tấn công mạng mà chính phủ Trung Quốc là thủ phạm đứng sau.
Ngoài Facebook và Google, các mạng xã hội lớn khác như Twitter hay Youtube cũng bị cấm tại Trung Quốc.
T.Thủy
Theo NYT/The Verge
Nguồn : Tổng hợp