Nhà mạng Vinaphone tiếp tục gây bức xúc cho người dùng khi tự động cài ngầm đến 4, 5 dịch vụ giá trị gia tăng, từ đó vô tư 'rút ruột' khách hàng với phí dịch vụ hàng tháng. Khi người dùng thắc mắc, nhà mạng này lại tiếp tục điệp khúc 'lỗi tại khách hàng bấm vào đường link quảng cáo'.
Ông K. N chia sẻ bức xúc với các dịch vụ được cài đặt trên điện thoại
Không xem đá bóng vẫn 'ưu ái' trang bị dịch vụ thông tin bóng đá
Ông K. N, ngụ quận 8, TPHCM bức xúc: 'Tôi không theo dõi đá bóng, không xem thông tin đá bóng thì tôi cài dịch vụ tin nhắn dịch vụ đá bóng để làm gì?'.
Ông N, chia sẻ, tiền trong tài khoản hàng tháng cứ vơi đi nhanh, mới nạp tiền chỉ vài ngày đã hết. 'Sau khi nghe con cái chia sẻ cách kiểm tra mới thấy thuê bao mình có đến 5 cái dịch vụ từ trên trời rơi xuống mà chẳng hề biết'.
'Những dịch vụ giá trị gia tăng lần đầu tiên mới nghe và chưa biết nó là dịch vụ gì, như KALAP, KENH1, VSKILL... Thậm chí là Bongda442 - mà tôi đâu có xem đá bóng'. Ông N bức xúc nói.
Tá hỏa, ông N liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng Vinaphone. Theo lời ông kể, tổng đài viên cho biết, các dịch vụ mà ông đang sử dụng được đăng kí do ông bấm vào các đường link quảng cáo trên internet. Các dịch vụ này bắt đầu từ tháng 9 năm nay, có dịch vụ từ cuối tháng 10.
Bức xúc với cách trả lời trên, ông N. 'phản pháo', không lẽ click vào đường links quảng cáo là đã cài đặt dịch vụ? Phải chăng nhà mạng đang 'gài bẫy' khách hàng? Nếu đăng kí thì cần có tin nhắn báo về để người dùng biết chứ? Đáp lại, tổng đài viên chỉ biết đổ lỗi đó là do khách hàng click vào và muốn hủy, sẽ được hủy trong ngày hôm nay.
Tiếp tục, ông N. ngay lập tức mở chiếc máy của vợ ông, cũng sử dụng mạng Vinaphone để kiểm tra. Ông N. lại giật mình, không chỉ ông bị mà cả thuê bao của vợ ông đều được nhà mạng này 'ưu ái' đăng ký hộ các dịch vụ. Ngoài dịch vụ giá trị gia tăng Funring, thuê bao của vợ ông có đến 3 dịch vụ lạ.
Theo lời ông kể, 3 cái dịch vụ này đều chẳng liên quan đến công việc lẫn nhu cầu của vợ ông và vợ ông khẳng định chưa bao giờ đăng kí những dịch vụ như vậy.
Rất nhiều người tiêu dùng phản ánh về các dịch vụ giá trị gia tăng tự cài đặt trên máy
Ngoài ra, một số phản ảnh của người dùng tương tự khi có ít nhất 1 đến 2 dịch vụ chạy ngầm đang được cài đặt trên thuê bao của khách hàng Vinaphone.
Cần kiểm tra tài khoản, tự bảo vệ mình
Để tránh có thể phải tiếp tục mất tiền oan, người dùng cần tự bảo vệ mình trước nạn cài dịch vụ ngầm bằng cách soạn tin nhắn theo cú pháp sau:
- Soạn KT gửi tới 994 của nhà mạng MobiFone
- Soạn TC gửi 1228 của nhà mạng Viettel
- Soạn TK gửi 123 của nhà mạng VinaPhone
Trước rất nhiều phản ánh của người tiêu dùng về việc nhà mạng đang' gài' khách hàng trong thời gian qua vẫn không giảm bớt. Phải chăng đó là vì lợi nhuận quá cao mà nhiều nhà mạng không nỡ 'siết' lại?
Tính đến tháng 8/2016, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, nhà mạng MobiFone có 34,6 triệu thuê bao di động, VNPT- Vinaphone có đến 20,5 triệu thuê bao, Viettel có gần 63,6 triệu thuê bao. Nếu tính nhẩm 10% trong số được 'ưu ái' sử dụng dịch vụ với gói 2.000 đồng/ngày, thì 1 tháng, các nhà mạng thu về một số tiền 'siêu khủng'.
Bên cạnh đó, trong cuối tháng 9, các nhà mạng cũng đưa ra thông tin dừng hợp tác với các đối tác bẫy khách hàng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn rất nhiều dịch vụ vẫn vô tư chạy ngầm, móc hầu bao của người tiêu dùng.
Ngoài vấn nạn về tin nhắn rác, việc cài ngầm dịch vụ của nhà mạng Vinaphone vẫn liên tục gây bức xúc cho các thuê bao.
Theo Dân Trí