Khi khảo sát địa lý khu vực bề mặt đáy biển Đen để tìm hiểu về biển Đen thời tiền sử, các nhà khoa học đã vô tình phát hiện khoảng 40 xác tàu ở tình trạng khá nguyên vẹn dù đã nằm dưới đáy biển hàng trăm năm.
Các thành viên dự án Khảo cổ học biển Đen thuộc sự quản lý của Đại học Southampton (Anh) mời đây đã vô tình phát hiện hơn 40 xác tàu đắm dưới đáy biển Đen khi đang tiến hành khảo sát địa lý khu vực này.
Được biết, các xác tàu này chủ yếu thuộc thời đại đế chế Ottoman (năm 1299–1923) và Byzantine (năm 330 – 1453). Trước đây, biển Đen từng là một khu vực hoạt động thương mại sôi nổi của La Mã, Hy Lạp cổ đại và đế chế Byzantine. Sau năm 1453, khi Ottoman chiếm đóng Constantinople (rồi đổi tên thành Istanbul), biển Đen gần như đóng cửa việc giao thương với nước ngoài. Gần 400 năm sau, vào năm 1856, Hiệp ước Paris mở lại đường biển mới được kí kết.
Những con tàu dù nằm dưới đáy biển rất lâu nhưng vẫn được đánh giá là ở trong tình trạng bảo quản khá tốt. Bởi dưới đáy biển Đen, nơi có độ sâu hơn 150m gần như chỉ có bóng tối bao phủ, không có ánh sáng và oxy.
Giáo sư Adams – chủ nhiệm dự án nói: 'Việc phát hiện ra xác tàu gần như là một món quà đối với chúng tôi. Sử dụng kĩ thuật quét 3D, chúng tôi đã ghi lại được một số hình ảnh đáng kinh ngạc về nghĩa địa tàu thuyền này mà không làm nguy hại đến môi trường đáy biển'.
Cập nhật: 25/10/2016
Theo Tiền Phong