Hôm 5/10, Hiệp định Paris đã đạt được ngưỡng quy định cần thiết để có thể bắt đầu chính thức có hiệu lực trong vòng 30 ngày tới, sau khi Liên hiệp châu Âu (đóng góp 10% lượng phát thải nhà kính thế giới) và 7 nước thành viên xác nhận họ đã phê chuẩn thỏa thuận.
Hiệp định Paris yêu cầu tất cả các nước đặt kế hoạch thực hiện mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ không quá 2 độ C.
Được ký kết tại thủ đô Paris của Pháp tháng 12/2015 bởi 195 quốc gia, hiệp định khí hậu toàn cầu đầu tiên cam kết kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C.
Hiệp định Paris là thỏa thuận khí hậu toàn diện đầu tiên của thế giới. Ít nhất 55 quốc gia, đóng góp 55% lượng phát thải nhà kính toàn cầu, đã phê chuẩn hiệp định, giúp đảm bảo được yêu cầu cần thiết để hiệp định bắt đầu có hiệu lực. Điều này giúp đưa thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu có hiệu lực trước thời gian dự kiến nhiều năm - dự kiến là vào năm 2020.
Trước đó, Ấn Độ - một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới ngày 2/10 đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo Hiệp định, Ấn Độ cam kết đảm bảo ít nhất 40% lượng điện của nước này sẽ được tạo ra từ các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch vào năm 2030.
Thu Phương (Theo AFP)
Thu Phương (Theo AFP)