Các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa phát hiện 2 loài cua nước ngọt mới ở vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Loài thứ nhất có tên Indochinamon chuahuong Do, Nguyen & Le, được phát hiện ở Chùa Hương, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Loài này tách biệt với các loài đã biết khác trong giống bởi một loạt các đặc điểm như mai có chiều rộng dài hơn chiều dài, cạnh bên trước lồi, khía răng cưa trông rõ; vùng mang hơi lồi khi nhìn từ mặt lưng; các chân bò tương đối dài. Đốt cuối của G1 cong ra phía ngoài, với một mào ở lưng rất thấp. Bài báo mô tả loài này được đăng trên tạp chí quốc tế Raffles Bulletin of Zoology.
Loài cua tên Indochinamon chuahuong Do, Nguyen & Le mới được phát hiện ở Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Loài cua thứ 2 được phát hiện có tên Tiwaripotamon pluviosum, được tìm thấy ở Bản Coóng, xã Đức Quang, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng của Việt Nam và Khu bảo tồn thiên nhiên Nonggang, huyện Long Châu, thành phố Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc.
Loài cua mới được phát hiện tên Tiwaripotamon pluviosum ở Cao Bằng.
Loài này được phân biệt với các loài khác trong giống qua một số đặc điểm như mai tương đối phẳng, các chân bò tương đối mảnh và có mào lưng ở đốt ngọn G1 con đực. Loài mới này cũng được đang trên tạp chí Raffles Bulletin of Zoology, số 64, trang 213-219, tháng 08/2016.
Theo các nhà khoa học, hai loài cua mới này phân bố ở các vùng núi đá vôi miền Bắc Việt Nam và khu vực biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Đây là một trong những sinh cảnh rất đặc trưng và các loài sống trong đó đa số là các loài đặc hữu và có khu vực phân bố rất giới hạn. Việc phát hiện các loài cua nước ngọt mới này càng cho thấy tiềm năng và giá trị đa dạng sinh học của các vùng núi đá vôi ở Việt Nam.
Cập nhật: 11/10/2016
Theo Tiền Phong