Các đập và hồ chứa cung cấp nước cho thủy điện là nguồn phát thải khổng lồ khí gây hiệu ứng nhà kính.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Washington (WSU), Mỹ, chỉ ra rằng đập và hồ thủy điện thực sự là một nguồn phát thải khí nhà kính lớn, Tech Times hôm 3/10 đưa tin. Nhóm nghiên cứu WSU phân tích 200 báo cáo trước đó về sự phát thải khí tiềm tàng từ 267 đập và hồ chứa nước trên toàn thế giới, với tổng diện tích khoảng 77.699km2.
Kết quả cho thấy, các đập và hồ chứa nước phát thải gần 1 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) mỗi năm vào bầu khí quyển, tương đương 1,3% tổng lượng khí nhà kính do con người tạo ra và lớn hơn tổng lượng khí thải nhà kính của Canada.
Hồ chứa thủy điện là nguồn phát thải lớn khí gây hiệu ứng nhà kính. (Ảnh: Evgeny Vorobyev).
Con người xây dựng đập ngăn sông, làm ngập các khu vực xung quanh hai bên bờ. Quá trình này tạo ra hồ nước nhân tạo để phát điện, dự trữ nước cho nông nghiệp hoặc kiểm soát lũ lụt. Nhưng việc xây đập cũng tạo điều kiện hoàn hảo cho vi sinh vật phát triển, phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như methane (CH4) và carbon dioxide. Những khí này sủi bọt trên bề mặt hồ chứa, sau đó xâm nhập vào bầu khí quyển.
Theo Science Alert, điều đáng lo ngại là khoảng 79% lượng khí thải từ hồ chứa là methane (loại khí có khả năng khiến Trái Đất ấm lên gấp 36 lần so với carbon dioxide), 17% carbon dioxide và 4% oxit nitơ.
John Harrison, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết methane là loại khí có khả năng hòa tan trong nước kém nhất so với các loại khí gây hiệu ứng nhà kính còn lại. 'Ở nhiều hồ chứa, bạn có thể nhìn thấy nhiều bong bóng khí nổi lên trên mặt nước từ phía dưới. Chúng thường là khí methane', Harrison nói.
Lượng phát thải khí methane cho mỗi đơn vị diện tích hồ chứa cao hơn 25% so với tính toán của những nghiên cứu trước đây. Đây là tỷ lệ đáng kể, đặc biệt khi việc xây dựng đập trên khắp thế giới không ngừng gia tăng, Bridget Deemer, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Cập nhật: 07/10/2016
Theo VnExpress